Syria và cuộc chiến giành ảnh hưởng của các ông lớn Mỹ, Nga

Việc Mỹ tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt với Syria dẫn dắt giới quan sát liên tưởng đến cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga ở đất nước Trung Đông này.

Vào ngày 13-5, tại Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Syria kể từ hơn 45 năm trước cho đến nay.

Sang ngày 14-5, Tổng thống Trump có cuộc gặp tích cực với Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa, cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước sau 25 năm.

Các diễn biến này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và cùng với đó là vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga ở điểm nóng Trung Đông này cũng nổi lên.

Mỹ tăng cường ảnh hưởng

Quyết định của ông Trump về việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria là bước ngoặt quan trọng, có thể định hình di sản của ông tại Trung Đông. Động thái này mở ra cơ hội đảm bảo một chiến thắng lâu dài của Mỹ tại Syria bằng cách ổn định khu vực, đối phó ảnh hưởng của các nước lớn Nga và Trung Quốc, đồng thời tạo cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ, theo trang web của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (atlanticcouncil.org)

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Syria trong 45 năm qua đang cản trở chính quyền mới ở Syria nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh. Nếu trừng phạt tiếp tục được duy trì, nền kinh tế Syria sẽ tiếp tục suy thoái, khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Nga, Trung Quốc và Iran.

Chuyên gia về Trung Đông Omer Ozkizilcik tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng quyết định dỡ bỏ trừng phạt Syria mang lại thắng lợi địa chính trị cho Mỹ.

“Việc dỡ bỏ trừng phạt cho phép Washington tạo điều kiện cho các đồng minh đầu tư vào Syria, ngăn chặn nguy cơ Damascus phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga. Động thái của ông Trump không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, mà còn là bước đi đầu tiên hướng tới việc chính thức công nhận chính quyền lâm thời Syria như là chính phủ hợp pháp của quốc gia này” - ông Ozkizilcik bình luận.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Syria kể từ hơn 45 năm trước cho đến nay. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Syria kể từ hơn 45 năm trước cho đến nay. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ông Qutaiba Idlbi - nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Rafik Hariri và các Chương trình Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, chính quyền mới của Syria không phải không có sai sót, nhưng đã có những động thái thiết thực cho thấy thiện chí hợp tác với phương Tây và mong muốn ổn định khu vực.

“Nếu tiếp tục theo đuổi đường lối này, ông Trump có thể vừa đạt được một chiến thắng lưỡng đảng hiếm hoi, vừa vượt mặt Nga và định hình tương lai Syria theo hướng phục vụ lợi ích của Mỹ” - ông Idlbi nhận định.

Việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc để giành hợp đồng trong nỗ lực tái thiết Syria, một quá trình được tính toán sẽ cần đến khoảng 400 tỉ USD. Đồng thời, ông Trump có thể tận dụng nguồn tài chính từ vùng Vịnh để tạo việc làm ở cả Syria và Mỹ, khẳng định vai trò của Washington tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, theo bà Lize de Kruijf - trợ lý dự án thuộc Sáng kiến Kinh tế Quốc tế, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria là bước đi đầu tiên cần thiết, nhưng chưa đủ để mở khóa dòng đầu tư nước ngoài mà Syria rất cần cho quá trình phục hồi và tái thiết.

Theo bà, Mỹ đến nay vẫn chưa cam kết bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào trong năm nay cho Syria, với lý do cho rằng các quốc gia khác nên chia sẻ gánh nặng này. Điều này tạo ra khoảng trống về vai trò lãnh đạo và để ngỏ cơ hội cho các đối thủ địa chính trị chen chân.

“Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar, Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại Syria thông qua các khoản đầu tư vào dầu khí, hạ tầng, dự án tái thiết và thậm chí là thanh toán nợ của Syria với Ngân hàng Thế giới. Đổi lại, họ giành được quyền tiếp cận các lĩnh vực chiến lược, từ đó định hình tương lai của Syria và tác động đến bối cảnh khu vực rộng lớn hơn. Nếu Mỹ không tham gia vào quá trình phục hồi của Syria, nguy cơ nước này nhường lại ảnh hưởng lâu dài cho các đối thủ là rất lớn” - bà Lize de Kruijf, trợ lý dự án thuộc Sáng kiến Kinh tế Quốc tế.

 Người dân Syria tại tỉnh Latakia ăn mừng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt. Ảnh: ANADOLU

Người dân Syria tại tỉnh Latakia ăn mừng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt. Ảnh: ANADOLU

Nga giảm ảnh hưởng, song đã có ưu tiên khác

Mới đây, hãng Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Syria sẽ chọn in tiền mới tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Đức, chấm dứt nhiều năm liền in tiền tại Nga. Điều này phản ánh quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Syria với các quốc gia Ả rập vùng Vịnh và phương Tây sau khi Mỹ nới lỏng trừng phạt. Thiết kế mới của mẫu tiền giấy sẽ loại bỏ hình ảnh của cựu Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad, người đang sống lưu vong ở Nga.

Ngoài ra, cũng theo Reuters, Damascus hôm 15-5 đã ký một thỏa thuận sơ bộ trị giá 800 triệu USD với tập đoàn DP World của UAE để phát triển cảng Tartus - thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria.

Trước đó, Syria đã quyết định chấm dứt hợp đồng quản lý cảng Tartus với một công ty Nga. Quyết định của Damascus làm gián đoạn hậu cần quân sự của Nga khi Moscow hiện đang có căn cứ hải quân tại khu vực này, khiến vị thế của Nga tại Syria trở nên phức tạp hơn, theo đài RT.

 Căn cứ hải quân Nga ở cảng Tartus (Syria). Ảnh: PLANET LABS

Căn cứ hải quân Nga ở cảng Tartus (Syria). Ảnh: PLANET LABS

Các diễn biến trên cho thấy sức ảnh hưởng của Nga đang dần bị lu mờ kể từ khi chính quyền cũ của Syria - vốn là đồng minh lâu năm của Moscow - sụp đổ.

Trong bài đăng trên RT, hai chuyên gia về quan hệ quốc tế Aaryaman Nijhawan (Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow) và Oleg Grunda (ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc) đã bình luận về sức ảnh hưởng của Nga tại Syria gần đây.

Theo các chuyên gia, sự can dự ngày càng sâu của Mỹ có thể được xem là nỗ lực chủ động nhằm đối trọng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, cũng như phản ứng trước các bước tiến địa chiến lược gần đây của Nga ở châu Phi.

“Do các căn cứ Nga ở Syria đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng cho hoạt động của Nga ở vùng Sahel, Washington có thể hy vọng sự sụp đổ của đồng minh lâu năm Syria sẽ làm phức tạp các lựa chọn của Moscow và gây áp lực lên chuỗi cung ứng cho các nhóm lính đánh thuê Nga, từ đó làm suy giảm ảnh hưởng khu vực của Moscow” - hai chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Nga vẫn có cách vực dậy sức ảnh hưởng lớn tại Syria. Trong đó, các nước đi tiềm năng có thể là cung cấp hỗ trợ ngoại giao, hậu cần, có thể cả quân sự để đổi lấy quyền tiếp tục hoạt động tại Syria. Theo các chuyên gia, về lâu dài, Syria cũng có thể cần giữ ảnh hưởng của Nga để duy trì sự cân bằng chiến lược, tránh rơi vào hoàn cảnh hỗn loạn giống như Libya, Iraq hay Afghanistan.

Ưu tiên chiến lược của Nga tại Syria đã thay đổi?

Theo hai chuyên gia Aaryaman Nijhawan (Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow) và Oleg Grunda (ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc), trên thực tế, các ưu tiên chiến lược của Moscow tại Syria đã thay đổi so với kể từ khi Nga can thiệp vào Damascus hồi năm 2015.

Ban đầu, sự can dự của Nga ở Syria được cho là nhằm ngăn Qatar xây dựng đường ống dẫn khí sang châu Âu, thứ có thể làm suy yếu vai trò của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu. Ngày nay, khi xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể, mục tiêu này không còn nhiều ý nghĩa.

Chiến dịch của Nga ở Syria cũng tạo cơ hội để kiểm tra và tiếp thị vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, hiện nay xung đột ở Ukraine đã trở thành sân khấu chính để thể hiện công nghệ quân sự của Nga trong điều kiện chiến đấu thực tế.

Chiến dịch của Nga tại Syria trước đây chủ yếu nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành vào năm 2017. Giờ đây, khi IS không còn là mối đe dọa lớn, lý do duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ của Nga ở Syria cũng suy yếu.

“Nga dường như đang thực hiện một bước xoay trục chiến lược sang Libya, khi chuyển một lượng lớn khí tài hải quân đến các cảng Misrata và Al-Hums. Động thái này giúp Nga có được quyền tiếp cận chưa từng có tới vùng trung tâm Địa Trung Hải, đặt sườn phía nam của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm các căn cứ ở Ý và Hy Lạp, vào tầm hoạt động gần” - theo các chuyên gia.

Việc chuyển các khí tài hải quân sang Libya có thể là một động thái được tính toán kỹ lưỡng nhằm cân bằng lại ảnh hưởng đang suy giảm ở Syria, đồng thời mở rộng tầm với địa chính trị.

Bằng cách thiết lập một chỗ đứng vững chắc hơn ở Libya, Nga có thể giành được lợi thế chiến lược đối với sườn phía nam của NATO và khả năng giám sát các hoạt động của liên minh này theo thời gian thực. Điều này sẽ tăng cường đáng kể lợi thế chiến thuật của Nga tại Địa Trung Hải.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/syria-va-cuoc-chien-gianh-anh-huong-cua-cac-ong-lon-my-nga-post850268.html
Zalo