Syria lập phòng tuyến, quyết đẩy lùi phiến quân ở Aleppo
Quân đội Syria triển khai binh sĩ và khí tài cơ giới tới khu vực Tây Bắc đất nước để thiết lập tuyến phòng thủ mới, đồng thời mở chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo chiến lược bị các nhóm phiến quân chiếm đóng sau cuộc đột kích bất ngờ hồi tuần trước.
Thông tấn Nga RiaNovosti ngày 2/12 đưa tin, quân đội chính phủ Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đang dần ổn định tình hình phía Tây Bắc đất nước và tăng cường tấn công mục tiêu phiến quân sau khi buộc phải rút khỏi thành phố Aleppo cách đây vài hôm để tái tập hợp lực lượng trước cuộc đột kích bất ngờ của phiến quân vào Aleppo.
Theo ông Oleg Ignasyuk, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải các bên tham chiến tại Syria của Nga, không quân Nga hỗ trợ quân đội Syria bằng “các trận tập kích tên lửa và bom vào vị trí tập kết nhân lực, kho đạn, vũ khí, vị trí pháo, pháo phản lực và sở chỉ huy của phiến quân”. Ông Ignasyuk cũng khẳng định, quân đội Syria đã chặn được các đợt tiến công của phiến quân ở 3 tỉnh lân cận phía Bắc nước này là Idlib, Hama và Aleppo, hạ ít nhất 320 tay súng trong 24 giờ qua cùng hàng chục phương tiện.
Cùng ngày, hãng tin DW của Đức dẫn tuyên bố của tổ chức giám sát tình hình Syria SOHR có trụ sở ở Anh, cho biết, quân đội chính phủ đã bổ sung lực lượng tiếp viện đến phía Bắc thành phố Hama, thủ phủ tỉnh cùng tên, để thiết lập một “tuyến phòng thủ vững chắc”. Hama là thành phố lớn thứ tư Syria, cách thành phố lớn thứ nhì Aleppo 230km và án ngữ trục đường huyết mạch nối thủ đô Damascus với vùng Tây Bắc.
Bên cạnh sự trợ giúp của Nga, Syria cũng tiếp tục nhận được hỗ trợ đắc lực của Iran và các nhóm dân quân đồng minh. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi trong ngày 2/12 đã có chuyến công du tới thủ đô Damascus và trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad để thảo luận về tình hình chiến sự. Ông Araghchi trước đó khẳng định Iran ủng hộ Tổng thống Assad và quân đội Syria. “Quân đội Syria sẽ một lần nữa chiến thắng các nhóm khủng bố này như họ từng làm trước đây”, ông Araghchi nói. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Syria ra thông cáo nêu rõ ông Assad đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ các đồng minh và bạn bè để chống lại các cuộc tấn công của khủng bố”.
Căng thẳng tại Tây Bắc Syria leo thang sau khi phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm phiến quân khác từ tuần trước mở hai mũi tiến công bất ngờ từ hướng tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào tỉnh Aleppo và tỉnh Hama. Theo New York Times, HTS tự tuyên bố mình là một lực lượng vũ trang đối lập chống chính phủ Syria, nhưng Syria và nhiều quốc gia cáo buộc nhóm là tổ chức Hồi giáo cực đoan. HTS từng có liên hệ mật thiết với nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda và thủ lĩnh HTS bị nhiều nước, bao gồm Mỹ, đưa vào danh sách khủng bố. Tính đến ngày 1/12, HTS đã kiểm soát hầu hết thành phố Aleppo và hàng chục ngôi làng lân cận cùng một căn cứ, một trung tâm nghiên cứu quân sự, đánh dấu thiệt hại đáng kể nhất về lãnh thổ mà quân đội Syria hứng chịu kể từ năm 2016. Truyền thông khu vực cho biết, phiến quân đã “thề sẽ tiếp tục tiến công thẳng về thủ đô Damascus”, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhóm này có thể đột phá vào tỉnh Hama. Nguồn tin từ chính phủ Syria nói với RiaNovosti rằng, không quân Syria đã mở một đợt không kích chính xác nhằm ngăn phiến quân tiến xa hơn theo hướng Damascus từ Aleppo trên tuyến cao tốc huyết mạch M5.
Hiện chưa rõ thành phần và quy mô lực lượng của các nhóm tham gia cuộc nổi loạn do HTS dẫn đầu. HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Syria, trước khi Nga từ năm 2015 mở chiến dịch can thiệp vào nước này nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống al-Assad đối phó với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân nổi dậy. Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền Bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh chủ yếu hoạt động ở tỉnh Idlib, kiểm soát khoảng một nửa tỉnh này.
Trong diễn biến liên quan tình hình chiến sự, Newsweek ngày 1/12 cho biết, các tay súng phiến quân đã thu giữ một xe tên lửa phòng không đa năng Pantsir-S1 do Nga sản xuất cùng một vài hệ thống phòng không vác vai loại Strela-2, Strela-10 và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka khi tiến vào Aleppo. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ trước đó cũng xác nhận, các nhóm phiến quân “có khả năng đã chiếm được các thiết bị quân sự có giá trị” mà quân đội Syria bỏ lại. Việc các hệ thống vũ khí phòng không như Pantsir-S1 rơi vào tay phiến quân sẽ khiến máy bay chiến đấu của Nga và Syria có nguy cơ bị nhắm bắn trong các nhiệm vụ chiến đấu thực tế.
Phản ứng với diễn biến ở Tây Bắc Syria, chính phủ các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức ngày 1/12 đã ra tuyên bố chung kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng nhằm “ngăn chặn tình trạng (người dân) phải di dời và làm gián đoạn tiếp cận viện trợ nhân đạo”. Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Syria Geir Pedersen thì đề nghị các bên khẩn trương khởi động đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt xung đột.
“Những diễn biến mới nhất gây ra rủi ro nghiêm trọng cho dân thường và có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới”, đặc phái viên Geir Pedersen cảnh báo.