SV học Ngôn ngữ Anh cần làm gì để tạo lợi thế khác biệt trong cơ hội việc làm?

Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi SV không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn cần trang bị thêm kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm để tạo lợi thế khác biệt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, có thể nói rằng, tiếng Anh là một phần không thể thiếu đối với bất kỳ lĩnh vực nào. Ngôn ngữ Anh xuất hiện trong nhiều lĩnh vực lĩnh vực như kinh tế đối ngoại, sư phạm ngoại ngữ, marketing, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng,…

Tuy nhiên, để đáp ứng những tiêu chí của nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp ngành này cần kiến thức vững về Ngôn ngữ Anh và có kỹ năng chuyên môn trong ngành nghề theo đuổi cũng như các kỹ năng mềm khác.

Ứng viên cần trau dồi thêm kỹ năng mềm để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Trương Bảo Ngân, Trợ lý Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn sẽ được tích lũy qua những tiết học trên giảng đường, các ứng viên cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, khả năng chia sẻ cũng như lắng nghe, tinh thần cầu thị và ham học hỏi, … Việc thể hiện tốt năng lực bản thân trong buổi phỏng vấn với một “khí chất” tự tin sẽ đem lại khả năng trúng tuyển cao cho ứng viên.

Ngành Ngôn ngữ Anh hiện nay được đánh giá là có tiềm năng lớn và dễ xin việc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là một ngành học mang tính ứng dụng cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đa dạng như giáo dục, dịch thuật, truyền thông, kinh doanh quốc tế, du lịch, và nhiều ngành nghề khác.

Tuy nhiên, để nhanh chóng có cơ hội việc làm sau khi ra trường còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của người học. Trước tiên, nếu ứng viên có kiến thức vững về ngôn ngữ Anh và có kỹ năng chuyên môn trong ngành nghề theo đuổi, cơ hội xin việc sẽ cao hơn rất nhiều.

Với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đây là lĩnh vực có phạm vi rất lớn và có sự thay đổi theo xu thế thời đại, thị trường. Vì vậy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nếu muốn theo đuổi trong lĩnh vực này liên tục cập nhật những kiến thức mới. Nhà tuyển dụng ngày nay thường sẽ ưu tiên những ứng viên vừa có chuyên môn tốt lại có thêm khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc. Tại môi trường ngành Ngân hàng, nếu các bạn giỏi tiếng Anh chuyên ngành thì đây sẽ là một lợi thế rất lớn trong công việc.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố cơ bản nhất là thành thạo cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp thu kiến thức trên giảng đường tốt hơn, mà còn tạo sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh sau này. Tại môi trường ngành Ngân hàng, nếu các bạn giỏi tiếng Anh chuyên ngành thì đây sẽ là một lợi thế rất lớn trong công việc.

 Ảnh minh họa. Nguồn Website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn Website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, theo chị Ngân, với lợi thế vượt trội về tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng, chị không gặp quá nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận các khái niệm mới. Nhờ đó, công việc dịch thuật các tờ trình, văn bản cho giám đốc khối trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, khi chuyển sang vị trí Trợ lý Khối sẽ phải thích nghi với khối lượng công việc lớn hơn, phối hợp chặt chẽ với các phòng ban và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác. Đây thực sự là một thách thức, nhưng với kỹ năng mềm cùng kiến thức chuyên sâu nên chị vẫn duy trì tinh thần tập trung và chăm chỉ để đạt hiệu suất cao nhất.

Chỉ ra những thách thức với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khi mới ra trường, chị Ngân cho biết, trở ngại lớn nhất đối với sinh viên mới ra trường chính là thiếu kinh nghiệm thực tế. Dù đã được trang bị nền tảng lý thuyết vững chắc về tiếng Anh chuyên ngành, nhiều bạn vẫn cần thời gian làm việc trong môi trường doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính để hiểu cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ là phát triển kỹ năng chuyên sâu và xác định định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Ngành Ngôn ngữ Anh mang đến nhiều cơ hội đa dạng nhưng để thành công, sinh viên cần chủ động học hỏi, trau dồi chuyên môn và không ngừng phát triển bản thân.

Đối mặt với sự cạnh tranh đến từ trí tuệ nhân tạo

Theo đại diện Khoa Ngoại ngữ, Học viện Ngân Hàng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, công nghệ. Nhu cầu nhân lực thành thạo tiếng Anh đang tăng cao, mang lại lợi thế lớn cho sinh viên theo học ngành này.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, sinh viên cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ngoài việc thông thạo ngôn ngữ, họ cần có tư duy linh hoạt, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, và khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi trong thị trường lao động. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi sinh viên không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn cần trang bị thêm kiến thức chuyên ngành, năng lực số và kỹ năng mềm để tạo lợi thế khác biệt.

 Ảnh minh họa. Website Học viện Ngân hàng.

Ảnh minh họa. Website Học viện Ngân hàng.

Vì vậy, để tháo gỡ những thách thức trên, chương trình ngành Ngôn ngữ Anh tại trường được thiết kế theo định hướng liên ngành, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện, giúp sinh viên vừa thành thạo tiếng Anh, vừa có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công nghệ ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Anh.

Theo đó, ba trọng tâm chính của chương trình gồm: Năng lực sử dụng tiếng Anh chuyên sâu trong học thuật và công việc; Năng lực nghiên cứu khoa học thông qua các dự án, đề tài từ sớm; Kỹ năng thực hành nghề nghiệp với nhiều hoạt động thực tế, kết nối doanh nghiệp và cơ hội thực tập.

Với phương pháp đào tạo hiện đại, chú trọng trải nghiệm thực tiễn, chương trình giúp sinh viên tự tin hòa nhập và khẳng định năng lực trong thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo Ngôn ngữ Anh tại Học viện Ngân hàng sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ nền tảng kiến thức toàn diện và tính ứng dụng cao. Sinh viên không chỉ được đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ Anh mà còn phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Anh thành thạo trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa văn hóa.

Điểm khác biệt của chương trình là tính liên ngành, kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng Ngôn ngữ Anh và các kiến thức nền tảng về tài chính – ngân hàng. Nhờ đó, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm đa dạng trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp quốc tế, dịch vụ tư vấn hoặc giảng dạy tiếng Anh.

Đặc biệt, chương trình chú trọng trang bị năng lực số, giúp sinh viên làm chủ công nghệ, thích ứng nhanh với xu hướng số hóa và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường lao động.

Còn theo chị Phạm Trúc Quỳnh, cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng, sinh viên khi học ngành này sẽ được lĩnh hội nhiều kiến thức đa dạng, hiểu biết phong phú về văn hóa và mỗi bạn sẽ được chọn học 1 chuyên ngành học khác nhau, vì vậy các bạn còn có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực mà mình đã chọn.

Đối với sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh theo định hướng thuần ngôn ngữ, người tốt nghiệp ngành này có thể làm các công việc như giáo viên tiếng Anh, phiên dịch viên, biên dịch viên,... Có thể thấy, một trong những thách thức lớn hiện nay đến từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Nếu như trước đây, người học tiếng Anh thường tìm đến trung tâm ngoại ngữ để được hướng dẫn bài bản từ con số 0, thì hiện nay, chỉ với một vài thao tác đơn giản và sự hỗ trợ từ các công cụ AI, người học đã có thể tự xây dựng lộ trình phù hợp với trình độ và mục tiêu của bản thân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giáo dục quốc tế phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại các cấp học mầm non, tiểu học và trung học, nhiều học sinh Việt Nam đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm và có khả năng sử dụng ngôn ngữ này như người bản xứ.

Đối với họ, tiếng Anh không còn là một kỹ năng cần phải "học", mà đã trở thành một công cụ tư duy, một năng lực gần như mặc định. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khi bước ra thị trường lao động – rằng họ phải tự hỏi bản thân: “Mình có bộ kỹ năng gì để cạnh tranh với những người sử dụng tiếng Anh thành thạo như người bản địa, ngay tại chính thị trường việc làm trong nước?”

Ở góc độ khác, đối với những sinh viên Ngôn ngữ Anh có thêm chuyên ngành hẹp như Ngôn ngữ Anh – Tài chính Ngân hàng, Ngôn ngữ Anh – Thương mại, Ngôn ngữ – Truyền thông, thách thức đặt ra là họ phải cạnh tranh đồng thời với hai nhóm đối tượng: sinh viên học Ngôn ngữ Anh thuần túy và sinh viên học chuyên ngành như Tài chính, Truyền thông...

Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn đang học ngành Ngôn ngữ Anh – Tài chính Ngân hàng thì bạn cần ra câu hỏi "Liệu mình có đủ năng lực để cạnh tranh với một sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sư phạm? " và đồng thời "Liệu bạn có đủ chuyên sâu để cạnh tranh với một sinh viên tốt nghiệp ngành Ngân hàng?"

Từ đó, có thể thấy rằng, để duy trì được sức cạnh tranh trong thời đại công nghệ và hội nhập, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh không chỉ cần giỏi chuyên môn ngôn ngữ, mà còn cần phát triển thêm các năng lực liên ngành, khả năng công nghệ, tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo và đổi mới – những yếu tố mà máy móc vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người.

Hiện tại, chị Quỳnh đang đảm nhiệm cùng lúc hai công việc, thứ nhất, ở vai trò chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) toàn thời gian tại một công ty công nghệ nước ngoài, thường xuyên sử dụng tiếng Anh để làm việc với khách hàng nước ngoài cũng như phối hợp cùng các thành viên trong đội dự án. Với vốn kiến thức nền tảng vững vàng về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được đào tạo bài bản tại trường, cùng các học phần kỹ năng mềm như Tranh biện, Giao tiếp liên văn hóa, Kỹ năng đọc phân tích và Thư tín thương mại đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình xử lý công việc hàng ngày.

Ngoài ra, nhờ nền tảng kiến thức đã được trang bị từ các môn học như nguyên lý kế toán, ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán trong chương trình đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Anh Tài chính – Ngân hàng đã giúp chị có thể nhanh chóng nắm bắt và thích ứng với các yêu cầu đặc thù trong từng dự án.

Thứ hai, ở vai trò giáo viên TOEIC bán thời gian, chị Quỳnh đã có cơ hội quay trở lại với thế mạnh chuyên môn về ngôn ngữ học. Các học phần như Ngữ âm học và Ngữ pháp tiếng Anh đã giúp chị có được nền tảng kiến thức vững chắc để tự tin giảng dạy và truyền đạt lại cho học viên.

“Tuy nhiên, mỗi vị trí công việc đều đi kèm những thách thức riêng. Với vai trò là một chuyên viên phân tích nghiệp vụ, tôi cần liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành.

Còn ở vai trò giáo viên TOEIC, việc giỏi chuyên môn là chưa đủ nếu không có phương pháp sư phạm hiệu quả, kỹ năng truyền đạt tốt và khả năng truyền cảm hứng, quản lý lớp học, giáo viên rất dễ bị tụt lại trong một thị trường trung tâm tiếng Anh ngày càng cạnh tranh và bão hòa.

Tuy nhiên, để có thể tồn tại được trong ngành mà không bị đào thải, bạn cần phải trang bị thêm cho mình rất nhiều kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. Và việc tự trau dồi thêm kiến thức này, không bao giờ là chuyện dễ dàng, và tốn ít thời gian.”, chị Quỳnh chia sẻ.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sv-hoc-ngon-ngu-anh-can-lam-gi-de-tao-loi-the-khac-biet-trong-co-hoi-viec-lam-post250418.gd
Zalo