Đọc để hiểu mình

Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.

 Việc duy trì thói quen đọc sách giúp mỗi người hiểu rõ bản thân mình hơn. Ảnh: Quỳnh Trang

Việc duy trì thói quen đọc sách giúp mỗi người hiểu rõ bản thân mình hơn. Ảnh: Quỳnh Trang

Thời chúng tôi còn đi học, có lẽ vì dạo ấy các loại hình giải trí còn chưa phong phú nên đọc sách là một trong những nhu cầu thiết yếu với nhiều người.

Sau giờ học, chúng tôi thường rủ nhau lên thư viện ngồi đọc sách và đăng ký mượn đem về. Những cuốn sách được xem như người bạn quý, không chỉ đem đến nguồn thông tin, kiến thức bổ ích, giúp giải trí và bổ trợ nhiều kỹ năng mà còn giúp chúng tôi rèn giũa đức tính kiên trì.

Phải thật sự có sự kiên trì mới có thể đọc hết một cuốn sách, nhất là với những tác phẩm kinh điển. Lâu dần, tôi xem đọc sách như một việc để mình có thể hiểu bản thân hơn.

Ngày ấy, tôi có thói quen ghi chép lại những nội dung được cho là cần thiết và có thể giúp ích cho mình. Khi đọc sách báo, thấy nội dung nào hay là tôi cặm cụi chép vào sổ tay. Từ điển tích, điển cố, giai thoại văn học, chuyện văn nhân, các thể loại thơ ca, bài hát, đến công thức nấu ăn, châm ngôn cuộc sống…

Có những điều mà đến bây giờ đọc lại, tôi vẫn tâm đắc bởi thấy rất có ý nghĩa đối với mình. Những cuốn sách được tôi nâng niu và giữ gìn rất cẩn thận. Sách giáo khoa mượn từ thư viện về thường được tôi lấy giấy bao bọc lại phần bìa, đóng lại gáy cho chắc chắn. Những cuốn sách được cha tôi mua cho trong những chuyến công tác thì khỏi nói tôi quý đến nhường nào.

Đọc sách, tôi không chỉ được mở rộng hiểu biết mà còn phát hiện những điểm mạnh/yếu của mình, phát hiện những khả năng tiềm ẩn của bản thân và dám thử những việc mà trước đó không nghĩ là mình có thể làm được.

Một thông tin rất đáng mừng là việc đọc hiện nay đã được cải thiện đáng kể, nhất là trong giới trẻ. Bình quân, một người Việt Nam đọc 6,1 bản sách mỗi năm (trước đây là 1,4 bản/người).

Theo quan sát của cá nhân tôi, nhiều học sinh đã đem theo sách để đọc trong những giờ giải lao, thay vì lướt điện thoại hoặc đùa nghịch, tán gẫu. Nhiều bạn trẻ đã dần nhận ra giá trị thực sự của việc đọc sách và tìm đến sách để trau dồi, phát triển bản thân. Nhiều em rất hào hứng khi được tham gia những giờ đọc sách ở thư viện trường.

Nhiều em chia sẻ rằng: Hiện nay, sách rất đa dạng về thể loại, bên cạnh sách khoa học còn có sách thường thức, sách kỹ năng, sách tham khảo, sách giải trí… Nội dung hữu ích, phong phú; hình thức trình bày, in ấn đẹp mắt là những lý do khiến giới trẻ tìm đọc sách ngày càng nhiều.

Có những nhóm học sinh còn mạnh dạn tham gia các cuộc thi như: giới thiệu sách trực tuyến, đại sứ văn hóa đọc… với chất lượng khá thuyết phục. Đó là những tín hiệu vui báo hiệu sự trở lại đầy hy vọng đối với văn hóa đọc.

Dù công việc bận bịu, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách. Có thời gian thì đọc nhiều, bận việc thì đọc vài trang, như cách để giữ một thói quen tốt. Mỗi khi đối diện với trang sách, tôi như được trò chuyện với một người bạn tâm giao, sâu sắc và kín kẽ.

Mỗi cuốn sách đem đến cho tôi sự trải nghiệm, suy ngẫm và tích lũy kiến thức, kỹ năng. Có cuốn sách còn đem đến những bài học để tôi đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống.

Với tôi, sách luôn là người bạn quý, lặng lẽ bồi đắp những giá trị thực sự vững bền. Và như bao năm qua kể từ khi gắn bó, những cuốn sách luôn giúp tôi biết lắng nghe, trước hết là để hiểu được chính bản thân mình.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doc-de-hieu-minh-post319093.html
Zalo