Suýt nguy hiểm tính mạng vì tự ý tiêm thuốc chữa đau lưng

Bệnh viện TWQĐ 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.S (60 tuổi, Bắc Ninh) đến khám vì đau lưng kéo dài 1 tuần. Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch chẩn đoán nhiễm khuẩn sau tiêm giảm đau vùng cột sống thắt lưng.

Bệnh nhân cho biết khi đi khám tại tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng thắt lưng hông và đã được điều trị nhưng không có cải thiện. Bệnh nhân đã tự mua thuốc và tiêm tại phòng khám tư nhân. Sau thời gian tiêm khoảng 2-3 tuần, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng lan sang vùng lưng ngày càng nhiều, kèm sốt cao liên tục nhiều ngày.

Khi bệnh nhân đến Bệnh viện TWQĐ 108, qua chụp CT vùng thắt lưng đã phát hiện túi phình loét động mạch chủ, các bác sĩ chẩn đoán: Phình động mạch chủ bụng nghi do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết sau tiêm thuốc giảm đau vùng cột sống thắt lưng.

Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 đã đặt stent để tái thông lòng mạch đồng thời điều trị kết hợp nội khoa nhiễm khuẩn huyết.

Hình ảnh phình động mạch chủ bụng nghi do nhiễm khuẩn. Ảnh BVCC

Hình ảnh phình động mạch chủ bụng nghi do nhiễm khuẩn. Ảnh BVCC

Sau 24 giờ can thiệp, chỉ số xét nghiệm bệnh nhân về bình thường, bệnh nhân hết sốt, giảm đau bụng.

ThS.BS. Lê Hữu Khánh - Bác sĩ khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ, phình động mạch chủ bụng là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Phình động mạch chủ bụng đặc trưng bởi sự giãn nở của động mạch, làm tăng đường kính của nó.

Theo BS. Lê Hữu Khánh, quá trình tiêm giảm đau tại các cơ sở y tế tư nhân, không đảm bảo vô khuẩn sẽ tạo ra đường nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể, từ đó kích thích viêm mạch máu. Theo thời gian, tình trạng viêm này có thể dẫn đến phá hủy mạch máu, gây ra hiện tượng phình mạch.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Để điều trị phình động mạch chủ bụng do nhiễm khuẩn. Hiện nay, can thiệp và phẫu thuật là hai phương pháp chính để điều trị phình động mạch chủ bụng. Việc lựa chọn phương pháp dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác và vị trí phình. Đối với bệnh nhân có yếu tố nhiễm khuẩn hoặc mắc kèm bệnh nền, phương pháp ưu tiên là can thiệp, giúp giảm nguy cơ lây lan ổ nhiễm khuẩn và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Sau can thiệp, người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường trong 24 giờ.

Theo bác sĩ Khánh, khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến khám lại các cơ sở y tế chuyên sâu để sàng lọc. Việc tự ý điều trị bằng phương pháp tiêm giảm đau tại các cơ sở y tế có thể dẫn đến các tai biến biến chứng nặng nề.

Nên đi bộ bao nhiêu Km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp?

Phú Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/suyt-nguy-hiem-tinh-mang-vi-tu-y-tiem-thuoc-chua-dau-lung-169250109095015201.htm
Zalo