Suy nghĩ từ một tâm thư...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An vừa có tâm thư về công tác cán bộ gửi đội ngũ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương... trong tỉnh. Nội dung tâm thư khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, việc bố trí cán bộ có lúc, có nơi chưa phù hợp, một bộ phận cán bộ trình độ, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một số ít suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, tâm thư yêu cầu từng đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cần gương mẫu, không tác động, can thiệp để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, nhất là đối với người nhà, người quen; cán bộ các cơ quan, đơn vị không nhờ người thân, người quen, lãnh đạo cấp trên tác động để xin quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm chức vụ...

Cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ưu ái đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cho người nhà, người thân hữu trong cơ quan, đơn vị bất chấp điều kiện, tiêu chuẩn; cán bộ lợi dụng các mối quan hệ, nhất là với cấp trên nhằm tác động, gây áp lực với tổ chức, chạy chọt để được bố trí công việc tốt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn... là hai biểu hiện tiêu cực nổi cộm trong công tác cán bộ ở không ít bộ, ngành, địa phương trên cả nước thời gian qua.

Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những “méo mó” trong sắp xếp, sử dụng, bổ nhiệm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận và để lại hậu quả xấu trong xã hội. Bởi vậy, yêu cầu, mong muốn đội ngũ cán bộ gương mẫu, không vi phạm những điều này có lẽ không phải chỉ của riêng Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà còn là (và phải nên là) của tất cả những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong thời điểm đang kiện toàn đội ngũ, lựa chọn nhân sự chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Việc có những bức tâm thư như nói trên là rất cần thiết, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của người lãnh đạo. Đọc tâm thư, danh dự, liêm sỉ, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp chung của không ít người sẽ được “đánh thức”, từ đó tự giác, tự nguyện thực hiện nghiêm túc, góp phần lành mạnh hóa công tác cán bộ.

Thế nhưng, công tác cán bộ dù ở đâu, thời điểm nào cũng luôn nhạy cảm, phức tạp. Những biểu hiện tiêu cực như thân hữu, phe cánh, nhờ vả, chạy chọt... luôn có xu hướng xảy ra, không dễ dùng “đức” để trị triệt để. Vì vậy, bên cạnh những bức tâm thư, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ "không muốn” thì rất cần thêm những giải pháp phù hợp khiến cán bộ “không dám” và “không thể” vi phạm.

Đó là phải chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy dân chủ rộng rãi nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết đưa ra xử lý công khai, nghiêm khắc các trường hợp tiêu cực. Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy trình công tác cán bộ bảo đảm khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch, với những tiêu chí định lượng cụ thể. Đặc biệt, cần áp dụng rộng rãi cơ chế thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để tạo sân chơi bình đẳng, công bằng cho các ứng cử viên.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/suy-nghi-tu-mot-tam-thu-803975
Zalo