Khi bài thi không còn nằm trên giấy
Thi trực tuyến đang trở thành xu hướng tất yếu trong giáo dục hiện đại, mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm và giải quyết bài toán minh bạch.
Đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, cả nội dung và hình thức thi được chú trọng đổi mới, trong đó ngành giáo dục đặt mục tiêu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Trước mắt, dự kiến giai đoạn sau 2030, tất cả các địa phương có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính.
Nhằm phân tích rõ hơn về sự cần thiết, tính bảo mật của quy trình thi mới, Người Đưa Tin (NĐT) đã có trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Giải pháp giáo dục của FPT IS.
Kiểm tra, đánh giá không nằm ngoài xu hướng
NĐT:Thưa ông, việc thay đổi hình thức thi từ truyền thống sang sử dụng các phần mềm là cần thiết, đáp ứng tinh thần đổi mới giáo dục như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành giáo dục nói chung và hoạt động thi, kiểm tra đánh giá giáo dục nói riêng, cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Không chỉ đơn giản là số hóa một đề thi trên giấy để đưa lên máy tính. Việc chuyển đổi số hoạt động thi cần phải là sự thay đổi tổng thể và toàn diện. Cụ thể ở đây là, từ quy trình đến cách thức thiết kế, xây dựng, tổ chức triển khai và khai thác kết quả của hoạt động thi.
Điều này không chỉ đúng với hoạt động kiểm tra trong giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng, mà còn đặc biệt quan trọng với các bài đánh giá chuẩn hóa năng lực, các bài thi có giá trị cao.
Chuyển đổi số toàn diện rõ ràng là điều cần thiết. Vì nhờ đó chúng ta có thể nâng cao năng suất, khai thác đúng và hiệu quả vai trò của hoạt động đánh giá, phục vụ thiết thực cho hoạt động dạy và học, góp phần cho sự phát triển của ngành giáo dục.
NĐT: Thay đổi thói kiểm tra cũ là quá trình không hề dễ dàng, đặc biệt khi đây là một quy trình đã được duy trì suốt nhiều năm. Theo ông, những khó khăn lớn nhất mà các trường gặp phải trong thực thi hóa việc này là gì?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay khi nói đến việc chuyển từ thi giấy sang thi trên máy tính, nhiều nhà trường phổ thông, nhiều đơn vị tổ chức các bài thi bày tỏ rằng còn gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên phải kể đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng máy tính. Số lượng máy tính hoạt động tốt không đủ đáp ứng cho số lượng lớn cùng tham gia thi, các hạn chế về đường truyền internet, máy chủ, thiết bị phục vụ,…
Các phần mềm thi hiện tại chưa đủ khép kín quy trình, dẫn tới chưa đồng bộ dữ liệu, làm việc khó khăn. Vấn đề nữa hiện nay, là các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng cho việc tổ chức số lượng lớn đối với các bài thi quy mô lớn.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại khó khăn về quy định của Nhà nước. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ tại bậc phổ thông đã có hướng dẫn thực hiện trên máy tính theo Thông tư số 09. Các kỳ thi khác ngoài khối ngành hiện chưa có hướng dẫn.
Ngoài ra, về yếu tố con người, khả năng tiếp cận công nghệ của giáo viên – đặc biệt các giáo viên lớn tuổi còn chưa cao. Kỹ năng công nghệ thông tin của học sinh, điều kiện thiết bị điện tử mà phụ huynh có thể đầu tư cho con chưa đủ để đáp ứng việc thi hoàn toàn trực tuyến.
Đừng đợi đủ rồi mới thực hiện
NĐT: Trước những thách thức đó, theo ông đâu là yếu tố then chốt, cần được ưu tiên để việc kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu mới?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hoạt động thi, kiểm tra đánh giá nói riêng là công việc cần bắt đầu ngay bây giờ. Chúng ta cần thực hiện chuyển đổi số từng bước, chứ không chờ khi có đủ các yếu tố rồi mới tiến hành, không được ngại ngần trước các rào cản.
Thay vì bắt đầu ngay vào việc đưa tất cả học sinh thi trên phòng máy tính, việc chuyển đổi số, có thể triển khai từ việc thay đổi cách thức làm việc của giáo viên và nhà trường. Mọi hoạt động quản lý khung chương trình các môn học, xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi chung sẽ được thực hiện trên một nền tảng thi.
Từ đó, có thể in ra các bài thi trên giấy để học sinh làm bài, sau đó chấm thi giấy bằng hệ thống quét bài thi trên hệ thống. Như vậy chúng ta vẫn có dữ liệu và báo cáo, phân tích dựa trên công nghệ.
Với bài kiểm tra đánh giá định kỳ, nhà trường có thể quản lý việc chia ca, phòng thi trên nền tảng tùy theo năng lực tổ chức. Công nghệ sẽ hỗ trợ việc tổ chức nhiều ca thi, phòng thi dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm hơn, quản lý và giám sát các ca thi nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Từ tất cả những hoạt động này, các cơ sở giáo dục vẫn thu được các dữ liệu tập trung và xuyên suốt trong quá trình học tập, có được các phân tích ý nghĩa phục vụ nâng cao năng suất dạy và học, từng bước chuyển đổi số và có động lực để chuyển đổi số toàn diện trong tương lai.
NĐT: Chống gian lận thi cử, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình chấm thi luôn là mối quan tâm lớn trong thời gian qua. Vậy Khaothi.Online đã áp dụng những giải pháp nào để giải quyết bài toán này?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Chúng tôi tích hợp nhiều giải pháp từ quy trình đến công cụ để nâng cao tính bảo mật, an toàn và phòng chống gian lận thi cử để nâng cao chất lượng bài thi.
Trước hết phải kể đến công nghệ định danh xác thực thí sinh thông qua CSDLQG về dân cư, được tích hợp trên nền tảng Khaothi.Online.
Thí sinh sẽ được xác thực thông qua CCCD gắn chíp điện tử, xác thực khuôn mặt bằng ứng dụng kiểm tra thị giác máy tính, từ đó xác định chính xác đối tượng dự thi ngay tại cửa phòng thi.
Đây là giải pháp mới đã được ứng dụng trong kỳ thi Đánh giá tư duy. Quá trình xác thực thông tin chỉ mất khoảng 10 – 20 giây mỗi thí sinh. Chứng nhận sau thi cũng được cấp theo đúng thông tin đã xác thực từ CSDLQG. Điều này giúp giải quyết dứt điểm tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trên nền tảng, các giải pháp giám sát thí sinh cũng được phát triển để hỗ trợ giám sát tình hình thí sinh làm bài thi, kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng internet và ứng dụng ngoài trang phần mềm thi, các hành vi thao tác của thí sinh cũng được giám sát chặt chẽ.
Chúng tôi cũng kết hợp cùng các đối tác công nghệ để cung cấp các giải pháp giám thị ảo nâng cao, có tích hợp trí tuệ nhân tạo trong xử lý hình ảnh, âm thanh từ môi trường 360 độ xung quanh thí sinh, giúp kiểm soát chặt chẽ việc thi từ xa của thí sinh trong các kỳ thi có nhu cầu giám sát cao.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!