Sum vầy quanh nồi bánh chưng Tết truyền thống giữa lòng Hà Nội
Giữa nhịp sống hối hả, ồn ào của những ngày cuối năm, Hà Nội vẫn giữ lại một góc Tết xưa, nhẹ nhàng và ấm áp. Những khoảnh khắc quây quần, sum vầy như trong quá khứ vẫn hiện hữu ở những con phố cổ.
Giữa không gian ảo và sự hiện đại hóa, những khoảnh khắc giản dị vẫn tìm cách lắng lại, mang đến cảm giác gần gũi, ấm áp. Từ những nồi bánh chưng tỏa hương thơm lừng trước hiên nhà đến những buổi sum vầy trên hè phố, chúng ta cảm nhận rõ nét sự trường tồn của những giá trị truyền thống, dù là trong những hình ảnh giản dị nhất.
Bữa cơm sum vầy, hay cảnh cả gia đình quây quần làm bánh chưng ngay trên phố cổ không phải là để thu hút sự chú ý. Nó đơn giản chỉ là cách sống, cách sinh hoạt của những người dân nơi đây. Chính đặc thù không gian sống chật hẹp đã hình thành những cộng đồng gần gũi, nơi mọi hoạt động, từ kiếm sống đến sinh hoạt hằng ngày, đều diễn ra ngay trên hè phố.
Anh Nguyễn Đức, một người con của phố Hàng Vải, đã trải qua hơn mười năm xa quê (sinh sống tại Nga), quyết định trở về Hà Nội sau những biến cố trong công việc. Trong ba năm gần đây, anh đã tự tay luộc bánh chưng mỗi dịp Tết, không chỉ để tạo niềm vui cho bản thân mà còn để truyền lại cho thế hệ sau những giá trị quý báu của ngày Tết cổ truyền.
Anh chia sẻ rằng, khi đứng bên nồi bánh, cảm nhận hơi ấm từ lửa và hương thơm đặc biệt của gạo nếp, đỗ xanh và lá dong, những câu chuyện cũ cứ thế được kể lại tự nhiên. Những đứa trẻ, dù chưa hiểu hết, vẫn háo hức đón nhận những câu chuyện của cha ông, như những thước phim chậm rãi mở ra trong ký ức.
Khi gia đình, bạn bè, và hàng xóm quây quần bên nồi bánh, khói lửa cay nồng, mọi lo toan thường nhật dường như tan biến, nhường chỗ cho những giây phút đầm ấm, hạnh phúc. Nồi bánh chưng không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của ký ức, là món quà của mùa xuân vĩnh cửu, nơi tình thân và ký ức nối liền quá khứ và hiện tại.