SugarEx Vietnam 2024: Cầu nối công nghệ và xu hướng mới của ngành mía đường
Triển lãm quy tụ gần 50 đơn vị cung ứng mang đến các thiết bị máy móc tiên tiến từ các quốc gia đầu ngành trên thế giới như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp.
Triển lãm Máy móc, thiết bị ngành mía đường Việt Nam 2024 (SugarEx Vietnam 2024) diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 25 và 26/9 do Fireworks Trade Media - Trực thuộc Tập đoàn Fireworks Trade Media tổ chức với sự hỗ trợ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Đây là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá những giải pháp công nghệ mới nhất, đón đầu xu hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu suất sản xuất, đồng thời là cầu nối chiến lược với các nhà đầu tư quốc tế, giúp mở rộng mạng lưới tại thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mía đường trọng điểm với sản lượng hàng năm lên đến hàng triệu tấn, và trong bối cảnh ngành mía đường đang đối mặt với nhiều thách thức cùng nhu cầu đổi mới, SugarEx Vietnam 2024 là một sự kiện quan trọng trong việc kết nối giao thương, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Triển lãm quy tụ gần 50 đơn vị cung ứng mang đến các thiết bị máy móc tiên tiến từ các quốc gia đầu ngành trên thế giới như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp... Với nhiều mặt hàng trưng bày như: Xử lý nước và xử lý chất thải, máy nghiền đường, phân bón, thiết bị điện nông nghiệp và tự động hóa, thiết bị nhà đun sôi, máy ly tâm & thiết bị phân loại đường... thu hút hơn 2.000 lượt khách tham quan, giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp các giải pháp công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động ngành mía đường.
Bên cạnh đó, Hội nghị quốc tế Chuyên ngành mía đường được tổ chức song song với sự góp mặt của các chuyên gia và diễn giả giàu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức chuyên môn và thảo luận về xu hướng phát triển, mang lại cái nhìn toàn diện cho các doanh nghiệp tham gia.
Những chủ đề được thảo luận trong hội nghị như: Công nghệ sinh thái phòng trừ sâu bệnh và tăng cường sức khỏe cây mía, giải pháp quản lý bệnh hại và dinh dưỡng qua nước tưới cho cây mía, giảm phát thải khí nhà kính thông qua canh tác mía phát triển bền vững, giải pháp tưới mía áp dụng tại Việt Nam, công nghệ và xu hướng mới nhất về tự động hóa nhà máy đường và hiệu quả năng lượng, gợi ích của việc triển khai dây chuyền xử lý đường lỏng trong nhà máy đường luyện..., tất cả nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm trong toàn ngành.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023/2024 trong tháng 6/2024. Sản lượng kết thúc vụ đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%.
Điều này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2021, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), hiện nay đã đến mức 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn mía là mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây.
Về năng suất đường, với mức tăng trưởng 4 vụ liên tiếp, lần đầu tiên ngành mía đường Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. Đối sánh với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.
Trong niên vụ 2023/2024, giá đường thô thế giới đạt mức cao nhất trong tháng 11/2023 với mức 28 USD cent/lb và sau đó giảm liên tục xuống mức 19 USD cent/lb hiện nay (giảm 47%). Sự giảm giá của thị trường đường quốc tế đã giảm giá đường nhập lậu, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường đường trong nước. Dưới áp lực của đường lỏng siro ngô HFCS nhập khẩu và đường nhập lậu, thị trường đường luôn trong tình trạng thừa cung, đường sản xuất từ mía khó tiêu thụ, đe dọa sự tồn tại của chuỗi liên kết mía - đường.
Diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong niên vụ 2023/2024 cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất. Như vậy trong vụ ép 2023/2024, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.
Niên vụ 2024/2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến sẽ bắt đầu có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS.
Cũng trong niên vụ chế biến 2024/2025, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023/2024, với tổng công suất thiết kế là 124.000 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2024/2025 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2023/2024 như sau: diện tích mía thu hoạch tăng 107%; sản lượng mía chế biến tăng 105%; Sản lượng đường tăng 105%.