Sức sống trường tồn của trò diễn Xuân Phả

Với những giá trị độc đáo về văn hóa - nghệ thuật, trò Xuân Phả (múa Xuân Phả) đã được các thế hệ người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa, kiên trì gìn giữ, truyền dạy và phát huy giá trị.

Độc đáo và hấp dẫn

Tương truyền, trò diễn dân gian Xuân Phả có từ thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân rồi lên ngôi Hoàng đế vào thế kỷ thứ IX. Múa Xuân Phả còn có tên gọi "Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến" là tổ hợp của 5 trò diễn gồm: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung), mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục đặc sắc nhất, biểu diễn chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa.

 Mặt nạ biểu diễn trong các trò Xuân Phả. Ảnh: T.Lê

Mặt nạ biểu diễn trong các trò Xuân Phả. Ảnh: T.Lê

Xuất phát là điệu múa cung đình rồi được truyền dạy ra dân gian, qua nhiều thế kỷ, trò diễn Xuân Phả từng bước hoàn thiện về kỹ thuật, trang phục, đạo cụ, âm nhạc và lời ca. Đặc biệt, các điệu múa và lời hát cổ - yếu tố tạo nên sức sống và sự độc đáo của trò diễn, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển cùng vùng đất cổ Thọ Xuân.

Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả khá đơn giản, chủ yếu là trống, thanh la, mõ... tạo thành những âm thanh vui nhộn. Theo nhịp trống dẫn dắt lúc thôi thúc, khi khoan thai, người diễn trò liên tục chuyển động tác vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, phóng khoáng. Có điều đặc biệt, "diễn viên chính" của các điệu múa này đều là nông dân, vừa bước chân ra khỏi ruộng vườn, khoác lên mình tấm áo diễn, hóa thân vào vai diễn là say sưa nhảy múa theo nhịp trống, đắm mình trong giai điệu, lời ca...

Theo các nghệ nhân xã Xuân Trường, 5 trò Xuân Phả, mỗi trò có trang phục mang màu sắc khác nhau. Diễn trò Hoa Lang thì áo màu xanh nước biển. Trò Chiêm Thành thì trang phục màu đỏ. Trò Lục Hồn mặc áo màu xanh chàm. Trò Ngô Quốc có áo màu thanh thiên. Trò Ai Lao thì mặc quần dài và áo cánh trắng, quấn xà cạp màu xanh chàm, có một tấm thổ cẩm dệt hoa văn Lào, quàng chéo từ vai phải sang hông trái. Có 3 trò sử dụng mặt nạ: Hoa Lang với mặt nạ da bò, có mũi thẳng và cao, đội mũ da màu đen có chóp nhọn, có ria mép; Chiêm Thành mang mặt nạ bằng gỗ sơn màu đỏ, mũi thấp và ngắn, hai mắt bằng lông chim công; Lục Hồn mang mặt nạ gỗ sơn trắng, người cằm nhọn là đàn bà, cằm tròn là đàn ông, mặt nạ nhiều răng là người nhiều tuổi, mặt nạ ít răng là người ít tuổi...

Trò Xuân Phả được đánh giá cao về giá trị văn hóa - nghệ thuật. Năm 1936, trò Xuân Phả được vua Bảo Đại mời vào biểu diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế. Nhiều người biết đến trò Xuân Phả qua những lần họ biểu diễn ở Festival Huế gần đây hay đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 9.2016, trò Xuân Phả được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và trong Lễ hội Lam Kinh 2018, Xuân Phả được biểu diễn với ý nghĩa mở ra thời kỳ thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Hành trình lưu truyền, phát huy giá trị di sản

Theo Trưởng Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả, NNƯT Bùi Văn Hùng, những năm 1960 - 1970, đất nước xảy ra chiến tranh, thanh niên trong làng đều lên đường nhập ngũ. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội diễn trò Xuân Phả không được thường xuyên và thiếu sự quan tâm. Đến những năm 1990, khi Nhà nước có chính sách phục hưng văn hóa dân tộc, chính quyền và người dân Xuân Phả đã quyết tâm khôi phục các điệu múa. Ban đầu, làng chỉ còn 5 - 6 cụ từng tham gia trực tiếp vào các điệu múa Xuân Phả nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Đến nay, đã có 22 nghệ nhân tham gia bảo tồn múa Xuân Phả, trong đó có 1 nghệ nhân nhân dân và 15 nghệ nhân ưu tú.

 Trò Xuân Phả được đánh giá cao về giá trị văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: Khiếu Minh

Trò Xuân Phả được đánh giá cao về giá trị văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: Khiếu Minh

NNƯT Bùi Văn Hùng là một trong 20 người đầu tiên được các cụ truyền dạy múa Xuân Phả. Việc khôi phục những điệu múa dân gian không đơn giản, khó nhất là phục trang. Mỗi điệu múa có trang phục riêng, nên khi may xong, nhuộm màu theo sắc phục của từng điệu múa. "Sau mỗi lần tập diễn, phẩm màu từ trang phục thấm lên người, có khi tắm cả tuần chưa hết. Tuy nhiên, tình yêu, niềm tự hào về điệu múa của quê hương khiến ai cũng phấn khởi, từng bước khắc phục khó khăn", NNƯT Bùi Văn Hùng nhớ lại.

Bảo tồn trò Xuân Phả đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết của cả cộng đồng. NNƯT Đỗ Đình Tơ cho biết, trò Xuân Phả đã trở thành tài sản chung của cộng đồng làng xã. “Chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy cho thế hệ trẻ, để các cháu hiểu và yêu quý giá trị di sản này". Công tác truyền dạy diễn ra đều đặn trong nhà trường, từ tiểu học đến trung học cơ sở, giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa quê hương. "Mỗi lần nhìn các cháu say sưa học múa, tôi thấy tự hào vô bờ, vì như thế, trò Xuân Phả sẽ sống trong đời sống và trong lòng người yêu nghệ thuật truyền thống", NNƯT Phùng Thị Liên chia sẻ thêm.

Theo nghệ nhân Phùng Thị Liên, thành viên Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả vẫn vừa làm nông nghiệp, biểu diễn giao lưu, truyền dạy, vừa tham gia phục vụ khách du lịch mỗi khi có yêu cầu. Mặc dù kinh phí hỗ trợ các hoạt động còn khiêm tốn nhưng ai cũng muốn ngày càng nhiều người, đặc biệt là du khách quốc tế biết đến trò diễn có một không hai này.

Đại diện lãnh đạo xã Xuân Trường cho biết, trước đây trò diễn Xuân Phả thường được biểu diễn trong Lễ hội làng Xuân Phả, vào ngày 9 - 10.2 âm lịch hàng năm. Gần đây, lễ hội đã lan rộng ra khắp vùng Thọ Xuân, thu hút hàng nghìn người dân và khách thập phương. Xã Xuân Trường và huyện Thọ Xuân cũng triển khai các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch. Huyện đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích; hỗ trợ kinh phí duy trì các trò chơi, trò diễn, trong đó có trò Xuân Phả; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm, tour, tuyến du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa...

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-song-truong-ton-cua-tro-dien-xuan-pha-post398193.html
Zalo