Sức sống ở Trường Sa
Ở quần đảo Trường Sa, khi những chuyến xuồng đầu tiên sắp cập vào cầu cảng, ai nấy thường trầm trồ bởi màu xanh của những loài cây vốn quen thuộc trong đất liền đang vươn lên xanh mướt. Các chiến sĩ trẻ mắt lấp lánh niềm vui đứng gác dưới gốc bàng, gốc dừa, tán khế he hé chùm hoa tím xôn xao. Giữa trùng khơi, trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, từng vườn rau vẫn xanh mướt, bầu, bí trĩu giàn; rau muống, rau lang, rau cải, mồng tơi đua nhau vươn ngọn. Không chỉ là hoạt động tăng gia, cải thiện khẩu phần... mỗi mầm xanh còn mang bóng dáng quê nhà, thắp lên mùa xuân rưng rưng giữa bốn bề trời mây sóng nước.
Trở về đất liền đã khá lâu, chúng tôi vẫn bật cười mỗi khi ôn lại kỷ niệm đoàn công tác Trường Sa hỏi các chiến sĩ trên đảo Nam Yết: “Ở đây nắng nóng thế này, đảo lại nhiều dừa, chắc anh em mỗi ngày đều hái quả để giải khát?”. Bộ đội cười rất tươi, chàng tân binh chừng 18 tuổi đưa khách dạo quanh đảo, tự hào giới thiệu: Nam Yết giờ có gần 500 cây dừa, đi biển cách vài hải lý đã trông thấy rõ. Có điều, dừa ở đây để dâng cúng lễ tết, để thương và để ngắm!
Từ những quả dừa khô nơi đất liền theo con người vượt hành trình đầy cam go sóng gió, những mầm dừa đầu tiên đội cát, đâm thẳng hệt mũi tên xanh ngắt. Thường tết đến, toàn đảo mới quyết định “hạ” các buồng dừa để bày biện ngũ quả và chia phần. Đơn vị nào cũng muốn chọn những quả đẹp nhất đặt trang trọng lên bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ và các liệt sĩ. Gọi là ngũ quả, thực ra chỉ có dừa, hiếm hoi lắm thêm quả bưởi vỏ đã ngả màu vàng bày cùng mấy thứ quả bằng xốp được bộ đội cắt tỉa, đẽo gọt, sơn màu như thật. Cũng có khi, nước dừa để dành cho người ốm bồi dưỡng. Còn lại, ngày qua ngày, từng buồng dừa vẫn lúc lỉu trên cao tới khi già khô, lính đảo cẩn trọng ươm thành mầm cây mới. Thi thoảng, trên ô cửa sổ nho nhỏ nơi người lính chắt chiu thành góc riêng kỷ niệm, cạnh nhật ký, bưu thiếp... lại gặp nửa chiếc sọ dừa khô đựng cát trồng xương rồng hoặc gắn thêm ốc biển thành mô hình bon - sai thật vui mắt.
Nhẩn nha mà quan sát, sẽ nhận ra khắp quần đảo và nhà giàn, loại cây kết được quả thực sự hiếm hoi. Hi hữu, đảo Sinh Tồn có mấy cây chanh sai trĩu quả, gốc to vững chãi khiến lính đảo tự hào đùa “cây chanh đảo mình mắc được cả võng”. Đảo Trường Sa Đông không chỉ nổi tiếng có những cây bàng quả vuông sum suê hoa, quả nhất quần đảo, mà xuân đến cây bàng ta cũng chấm phá rất dịu dàng bên bờ cát trắng.
“Bộ đội ở đảo một tuần được ăn mấy bữa rau?”. Đáp lại câu hỏi của thủ trưởng đoàn, chỉ huy trưởng đảo tự tin khẳng định, cứ hai, ba ngày lại ăn một bữa rau xào, món tốn lượng rau rất lớn, còn thì ngày nào mâm cơm cũng có bát canh. Khách nghe, không giấu được cảm xúc trước bao điều thân thương, giản dị nhưng chứa đựng hơi ấm của một mái nhà. Chỉ huy đảo nước da “ngời lên ánh thép”, giải thích: Một cây trên đảo trồng xuống, nếu sống sót đều phải qua 12 đến 15 “lứa lính”, mới được hưởng bóng mát. Tất cả cây xanh, vườn rau mang bóng dáng quê hương đều là thành quả, tình yêu biển đảo của thế hệ trước. Bộ đội không trồng cây cho mình, mà cho thế hệ mai sau. Đảo nổi còn đỡ, đảo chìm, nhà giàn không có vườn, bộ đội vẫn phải tăng gia. Hàng chục, hàng trăm thùng rau được dịch chuyển theo mùa gió. Bộ đội bê cây chạy xung quanh đảo tránh sóng là chuyện rất thường. Người lính ngày ngày cần cù, chịu khó, bất chấp mưa dầm, nắng ran và cũng có khoảnh khắc rất tinh nghịch. Chỉ huy các đảo kể, lính “vay” lính rau xanh là chuyện thực tế, rất khôi hài. Bộ đội che chắn, nâng niu từng chồi nụ, quả non lúc vừa thấp thoáng trong kẽ lá. Thường thì sáu tháng mùa khô quần đảo thiếu mưa, mọi thứ khô khốc, nóng nực. Nước ngọt điều chỉnh từ 12 lít xuống còn 9 lít mỗi người/ngày, rồi xuống còn 5 lít. Ấy vậy mà cây vẫn đơm hoa kết trái. Mỗi ngày, bộ đội đều dùng phần nước ngọt hiếm hoi của mình tưới cho cây.
Trên đảo Sơn Ca, gần bờ cát trải dài thơ mộng còn là nơi đặt những chuồng chim được thiết kế rất đẹp mắt mà theo lời lính đảo, mỗi sớm chiều, hễ nghe tiếng hót rít rít, ngắm đường bay chập chờn, trong lòng lại thấy bình yên. Mùa mưa bão trên đảo, từng đợt sóng cao lừng lững dựng lên rồi đổ ập, tấn công vào đảo nhỏ cuốn phăng tất cả những gì có mặt trên đường của sóng. Vài trăm mét vuông rau xanh mất trụi, vô số cây lâu năm bật gốc, gãy đổ. Bộ đội lặng lẽ trồng lại cây, kiểm tra rễ, cưa cho bằng các đầu cành rồi quét vôi. Cây như hiểu lòng người, chỉ gần một năm sau cành mới đâm chồi, cao lên rất nhanh.
Đảo là vậy, còn thăm nhà giàn, ai nấy thường trầm trồ phát hiện cây chanh, quất trĩu trịt quả xanh bóng bẩy. Có thành viên đoàn công tác tò mò định hái một quả chanh xem giữa bốn bề mặn mòi sóng nước hương vị có gì thay đổi đã kịp “phanh” lại khi gặp ánh mắt đầy xúc cảm của lính nhà giàn đang đắm đuối “canh chừng” cây. Bộ đội kể, đôi khi họ vẫn ngắt chút lá vò ra đưa lên ngửi, thấy nồng nàn hương vị quê hương. Những chậu chanh, quất từng xếp dọc boong tàu, nhiều ngày bị úa rụng, được từng bàn tay chai sạn, tỉ mỉ gói ghém, chằng buộc tránh sóng gió đã xanh trở lại, kết trái đơm hoa theo mùa. Chúng tôi cũng gặp nơi góc phòng nhỏ hai bức tường cắt nhau bởi một góc tưởng như không thể nào nhọn hơn, hẹp hơn vì không gian sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chỉ có vậy một giò phong lan màu tím hồng thật rực rỡ, mềm mại uốn một nét cong cạnh cây đàn ghi ta. Ở đảo nổi, đảo chìm, thể nào cũng có dăm ba loài hoa khoe sắc còn trên nhà giàn gần như không sắc hoa.
Chúng tôi cứ ngắm mãi bức ảnh loài hoa giống như hoa đậu nhưng không mang sắc tím mà hồng rực trong nắng, thân lại hệt cây rau muống biển bò lan trên cát. Món quà kèm theo câu đố của các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa, đố khách biết đấy hoa gì. Nghĩ mãi rồi chịu, chúng tôi đành chuyển ảnh tới vài cán bộ, chiến sĩ xin lời giải đáp. Bộ đội nhắn ngay: “Các bác sĩ áo lính nhà ta tinh nghịch thật, gửi ảnh hoa đậu gieo lẫn trong bờ muống biển, sắc hoa vì nắng quá đổi màu để đánh đố mọi người ở nhà đây!”. Từ “ở nhà” sao thân thương đến thế! Như cùng một gia đình, chung quê hương nguồn cội. Đêm nay, Trường Sa mưa lớn... Trăng Trường Sa sáng lắm nghe em... Trước phiên gác đêm nay, bỗng thấy gió ấm như từ quê mẹ... Bao dòng tin nhắn trong mùa xuân được gửi từ những người lính của chúng ta gieo nên bao hy vọng. Họ nghĩ về đất liền ngay trong phiên gác, gửi đi một dòng tin, không cần hồi đáp, vì chính dòng tin ấy - như bao mầm xanh đang mạnh mẽ vươn lên - là tín hiệu bình yên.