Sức sống mới trên vùng đất Tà Lài
Xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tà Lài (huyện Tân Phú) hôm nay đã thay da đổi thịt theo sự phát triển chung của huyện, tỉnh. Đặc biệt, con người và vùng đất Tà Lài qua bao thời gian vẫn vững niềm tin với Đảng, chính quyền, cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương ngày càng phát triển, sung túc.

Trẻ em Mạ, S’tiêng và người có uy tín K’Cân (dân tộc S’tiêng, ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) trên đường làng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đ.Phú
Đồng bào Mạ, S’tiêng đoàn kết, yêu nước
Anh K’Luận (dân tộc Mạ, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 4, xã Tà Lài) cho biết, trước đây, người Mạ gọi Tà Lài là làng R’lài. Năm 1994, xã Tà Lài được chia tách ra từ xã Phú Lập. Vùng đất ấp 4, xã Tà Lài vẫn còn lưu dấu văn hóa, lịch sử đồng bào dân tộc Mạ, S’tiêng xa xưa. Tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc Mạ, S’tiêng với các dân tộc anh em khác vẫn được thắt chặt.
Ấp 4, xã Tà Lài có 487 hộ dân với gần 2 ngàn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, S’tiêng chiếm đa số với trên 370 hộ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng R’lài của đồng bào Mạ, S’tiêng rừng núi bạt ngàn, biệt lập với bên ngoài. Dựa vào sự hiểm trở này, nhà cầm quyền Pháp đã xây dựng nhà tù để giam cầm những người yêu nước. Chính quyền thực dân Pháp gọi nơi giam giữ là Camp des Travailleurs Talai. Còn những người bị giam cầm tại đây gọi “Căng Tà Lài” hay “Trại lao động đặc biệt”.
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tà Lài, ngày 27-3-1941, những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, trong đó có 8 đảng viên: Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Văn Đức, Tô Ký, Châu Văn Giác và Nguyễn Công Trung được sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi nhà giam, tránh sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp để trở về các địa phương tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng.
Sự kiện lịch sử này được lưu giữ qua Cụm tượng đài (lập năm 2002), Bia ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài đêm 27-3-1941 nằm hiền hòa bên sông Đồng Nai với dòng chảy lịch sử kiên trung, bất khuất. Năm 1998, xã Tà Lài vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng theo Lịch sử Đảng bộ xã Tà Lài, trong kháng chiến chống xâm lược, làng R’lài (Bù Cháp, Tà Lài) đã góp phần quan trọng ở Căn cứ Chiến khu Đ. Những người con của các làng S’tiêng, Mạ, Chơro đã làm giao liên, nuôi giấu các chiến sĩ, đảng viên; sản xuất lương thực; hỗ trợ cho các đơn vị bộ đội hoạt động trên địa bàn. Nhiều trai tráng của buôn làng đã tham gia trực tiếp chiến đấu với tinh thần gan dạ, dũng cảm được lịch sử ghi lại như: Prai, Điểu Khuynh, K’Tiêng, K’Lư, K’Nang, K’Rét, K’Liêng, K’Coong...
“Đồng bào Mạ, S’tiêng ở Tài Lài vốn đoàn kết, yêu thương nhau; trong kháng chiến dù khó khăn, thiếu thốn, đồng bào cũng nhường cơm, sẻ áo cho cách mạng. Nay đời sống kinh tế, vật chất ai cũng ổn định, khá giả nên đồng bào các dân tộc thiểu số cùng cán bộ, người Kinh chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu để quê hương thêm giàu đẹp” - người có uy tín K’CÂN (64 tuổi, dân tộc S’tiêng, ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) bộc bạch.
Vươn lên từ khó khăn
Xã Tà Lài được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Phú Lập vào năm 1994, với diện tích tự nhiên 2.889 hécta, dân số 1.315 hộ với 7,3 ngàn người. Toàn xã có 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số như: Mạ, S’tiêng, Tày, Nùng, Hoa... chiếm trên 30% dân số. Thời điểm mới thành lập xã vào năm 1994, đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 61,55% dân số.
Xã Tà Lài vốn là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng như: đường, điện, trường, trạm... chưa được đầu tư nhiều. Tuy vậy, địa phương vẫn nhanh chóng vươn mình từ sau ngày thành lập xã vào năm 1994.
Điểm nhấn của sự thay da đổi thịt của vùng đất Tà Lài là các công trình hạ tầng về: đường, điện, trường, trạm, trụ sở làm việc, thủy lợi... được quan tâm đầu tư, xây dựng, phủ rộng và kết nối tới trung tâm xã, ấp với rẫy vườn, khu định canh - định cư, nhất là giai đoạn địa phương khởi động xây dựng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2014 đến nay. Cụ thể là xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bê tông nhựa nóng, bê tông xi măng; kéo đường dây điện trung, hạ thế vào tận các ấp; xây dựng nhà văn hóa các dân tộc Tà Lài, trường học, cầu treo, cầu đúc, xây đập Vàm Hô phục vụ nước tưới cho người dân sản xuất nông nghiệp...
Chủ tịch UBND xã Tà Lài Mai Ngọc Huế cho biết, xã Tà Lài đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2018 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Từ kết quả đó, không chỉ giúp cho bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương phát triển, mà đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây phát triển vượt bậc.
Hiện nay, xã không còn tình trạng bỏ đất hoang, mà còn nâng số vụ canh tác từ một lên 3 vụ/năm; chuyển đổi đất trồng điều, cây ngắn ngày như: mì, đậu, bắp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bưởi, sầu riêng, hồ tiêu… với diện tích gần 1,2 ngàn hécta đất nông nghiệp toàn xã. Nhờ vậy, vào năm 2024, thu nhập của người dân đạt trên 84 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 82,5 triệu đồng so với năm 1994 khi mới thành lập xã (chỉ đạt 1,5 triệu đồng/người/năm).
Đến nay, toàn xã Tà Lài có 50,97km đường giao thông gồm: 5,3km đường nhựa do huyện quản lý, 45,67km đường xi măng bê tông do xã quản lý. Riêng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số ấp 4 nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, S’tiêng sinh sống được địa phương đầu tư 6,62km đường bê tông xi măng (đạt 100%).
“Các tuyến đường giao thông không chỉ giúp người dân giao thương thuận lợi, phát triển dịch vụ, mà còn là vòng tay kết nối tình đoàn kết giữa 11 dân tộc anh em trong xã. Cũng nhờ giao thông phát triển, kết nối giữa các khu dân cư, tổ, ấp với nhau và với bên ngoài nên cái nghèo, lạc hậu của người dân, vùng đất này nay không còn nữa” - Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài Đặng Sơn Lâm cho hay.
Là người con của núi rừng, vùng đất anh hùng xã Tà Lài, người có uy tín K’Cân (64 tuổi, dân tộc S’tiêng, ngụ ấp 4, xã Tà Lài) cho hay, sự thay đổi của xã Tà Lài nói chung và ấp 4 nơi ông sinh ra và lớn lên là về ban đêm, khắp nơi đều bừng sáng ánh điện; đời sống người dân ngày càng sung túc, trẻ em đều được chăm lo học hành tiến bộ; nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, S’tiêng tại ấp 4 có bằng cao đẳng, đại học.