Sức sống mới ở Tây Nguyên

Đứng chân ở địa bàn xa xôi xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông với diện tích đất sản xuất không nhiều nhưng nhờ hăng say lao động, sản xuất, đặc biệt đi tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống mới, cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, đến nay nhiều hộ, công nhân Đội sản xuất 5, Trung đoàn 720 đã có thu nhập tiền tỷ, trở thành hộ khá, giàu, điển hình trong lao động giỏi, lao động sáng tạo của Binh đoàn 16.

ĐẤT KHÔNG PHỤ CÔNG NGƯỜI

Gia đình anh Ngô Quang Giảng, Đội phó Đội sản xuất 5 có vườn sầu riêng xen cà phê 8 năm tuổi. Sầu riêng là loại cây mẫn cảm với thời tiết, kén đất nên rất khó chăm sóc nhưng qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, đặc biệt là tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác nên vườn cây luôn phát triển xanh tốt, trĩu quả.

Anh Giảng cho biết, muốn bất kỳ loại cây trồng nào phát triển xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao trước tiên người trồng phải cần cù, quan tâm chăm sóc. Đặc biệt, phải kết hợp dùng nhiều loại phân hữu cơ để cải tạo đất và hạn chế bón phân vô cơ, hóa học.

Vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình anh Ngô Quang Giảng, Đội sản xuất 5, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16

Vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình anh Ngô Quang Giảng, Đội sản xuất 5, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16

Xuất phát từ tình cảm yêu mến hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ từ bé nên khi được vận động, chàng trai trẻ Ngô Quang Giảng đã không quản ngại xa xôi vào tận vùng đất Tây Nguyên sinh sống, lập nghiệp. Ngoài diện tích đất giao khoán của đơn vị, gia đình anh còn tích góp từ tăng gia mua hơn 1 ha đất trồng sầu riêng xen cà phê. Được chăm sóc bài bản, khoa học, đất đã không phụ công người. Nhiều năm qua, vườn cây xen canh của gia đình, cũng như nhận khoán chuyên canh của đơn vị xanh tốt, năng suất, chất lượng luôn vượt trội. Quả ngọt gặt hái được của gia đình là nguồn thu ổn định, cuộc sống thêm hạnh phúc, ấm no. Đây là tiền đề, động lực để anh bám trụ lâu dài ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió.

“Ngay từ đầu tôi đã xác định sẽ gắn bó với quân đội và “an cư lập nghiệp” lâu dài ở vùng đất Tây Nguyên này. Đó cũng chính là điều tôi định hướng cho các con sau này. Diện tích đất ở đây không nhiều nên muốn phát triển phải trồng xen canh, bởi cây cà phê 1 năm chỉ có 1 vụ thu chính. 1 ha cà phê có thể trồng xen sầu riêng, bơ. Từ đó, mùa nào cũng có nguồn thu đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2, 3 lần, thậm chí gấp 4 lần trên cùng đơn vị diện tích” - anh Giảng chia sẻ.

Gia đình anh Ngô Quang Giảng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc sau một ngày lao động vất vả

Gia đình anh Ngô Quang Giảng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc sau một ngày lao động vất vả

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung gian khó, nên khi vào làm công nhân Đội sản xuất 5, chị Đỗ Thị Dung cùng chồng là anh Lê Việt Hồng luôn đi đầu trong tăng gia sản xuất của đơn vị. Bên cạnh 2 ha đất nhận khoán, vợ chồng anh chị được đơn vị tạo điều kiện cải tạo các khu vực ven suối, triền núi bỏ hoang để tăng gia sản xuất. Cùng với đó, gia đình tích góp mua thêm đất để trồng trọt kết hợp đào ao thả cá, phục vụ tưới tiêu và cải thiện thu nhập.

Với tổng diện tích hơn 3 ha, gia đình chị Dung đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng xen các loại cây ngắn ngày kém hiệu quả sang giống cây mới kinh tế hơn, đó là sầu riêng. Nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của các hộ đi trước cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào bón phân, chăm sóc nên vườn cây luôn sum suê, xanh mướt. Chỉ sau 4 năm chuyển đổi, vườn sầu riêng của gia đình đã cho thu bói và hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ trong thời gian tới.

“Để có nguồn thu cao thì bước đầu cái gì cũng khó khăn, vất vả, nhưng cứ tưởng tượng sẽ cho thu nhập tiền tỷ nên chúng tôi càng nỗ lực cố gắng. Bởi muốn có thu nhập cao thì vườn cây phải phát triển tốt, mà muốn vườn cây phát triển thì con người là yếu tố quyết định, phải bỏ mồ hôi, công sức, chất xám vào để làm” - chị Dung chia sẻ.

TRẢI RỘNG HY VỌNG

Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng ở vùng đất Tây Nguyên của anh Ngô Quang Giảng, chị Đỗ Thị Dung đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều gia đình công nhân, hộ nhận khoán Đội sản xuất 5. Từ cây trồng chủ lực là cà phê, cao su thì nay nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng xen sầu riêng và các loại cây ăn trái đem lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng là những tấm gương sáng trong lao động giỏi, lao động sáng tạo được các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Cán bộ Đội sản xuất 5 tham quan mô hình sản xuất xen canh gia đình chị Đỗ Thị Dung

Cán bộ Đội sản xuất 5 tham quan mô hình sản xuất xen canh gia đình chị Đỗ Thị Dung

Trung tá Vũ Văn Tú, Đội trưởng Đội sản xuất 5 cho biết: Đội hiện quản lý 89 ha cà phê, cao su, tạo việc làm cho 55 hộ nhận khoán, với 61 cán bộ, nhân viên, người lao động. Ngoài trích kinh phí nhân rộng diện tích, đội còn khuyến khích các hộ dân khai thác vùng đất trống, cải tạo đất xấu để tăng gia sản xuất, trồng các loại cây tăng thêm nguồn thu. Vì vậy, ngoài nguồn thu từ nhận khoán của đơn vị, nhiều hộ dân có nguồn thu thêm từ tăng gia sản xuất 300-500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Chính vì vậy, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, Đội sản xuất 5 còn có nhiều hộ khá, giàu, nhà cửa khang trang, bề thế.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, cộng với sự chịu khó nên đời sống của người lao động, hộ nhận khoán ngày càng nâng cao và phát triển vững chắc. Đây là động lực để công nhân, hộ nhận khoán bám trụ lâu dài và làm giàu chính đáng trên vùng đất Tây Nguyên”.

Thượng tá ĐOÀN MẠNH NGHĨA, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 720

Những hình ảnh hàng tấn sầu riêng được các hộ dân Đội sản xuất 5 thu hoạch là minh chứng rõ nhất cho sự thành công từ mô hình trồng xen canh, tăng gia sản xuất. Và thành công lớn nhất có lẽ không chỉ là những bằng khen, giấy khen do các cấp, đơn vị trao tặng mà là tiếng cười rộn rã, không khí quây quần ấm áp ở các hộ dân sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đất phủ màu xanh trải rộng hy vọng và niềm hạnh phúc trong ánh mắt mỗi người ở vùng đất Tây Nguyên chính là đổi thay lớn nhất.

Hữu Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/386/163354/suc-song-moi-o-tay-nguyen
Zalo