Bắc Giang phát huy tiềm năng thế mạnh nông nghiệp
Tỉnh Bắc GIang đã và đang quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản.
Ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang duy trì đà tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp gần đây, giá trị sản xuất/1 ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,63%.
Hiện nay, dư địa phát triển nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn; tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều thay đổi, nhanh nhạy tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, việc bảo quản, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch vẫn kém phát triển nên giá trị gia tăng không cao. Hiện sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô; chi phí đầu vào sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn...
Các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, xây dựng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, giữ vững vị trí vai trò là trụ đỡ đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những hướng đi của tỉnh trong thời gian tới là phát huy tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên của địa phương.
Bắc Giang tập trung phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, đến năm 2025, lựa chọn ít nhất 3 mô hình điểm, điểm du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng) được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn (du lịch cộng đồng) đặc thù. Tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số; đến năm 2025 có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. 100% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên sử dụng được tiếng Anh giao tiếp thông thường…Bắc Giang nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh xây dựng, triển khai xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.
Địa phương xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo loại hình: Du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề. Ưu tiên mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách…) trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường…
Hiện nay, Bắc Giang có 33 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với 250 hộ dân tham gia hoạt động; trong đó có một số điểm đang hoạt động hiệu quả như: Bản Ven, bản Xoan, bản Thượng Đồng, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; bản Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động; bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; làng Thổ Hà, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. Mỗi năm, 4 điểm này đón khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ở tỉnh có 12 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế được các hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng; 20 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả ở huyện Lục Ngạn đang hình thành, mỗi năm đón khoảng 350.000 lượt khách.
Năm 2023, Bắc Giang phân bổ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện phát triển du lịch nông thôn gồm: Hỗ trợ mua xe điện; tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; học tập, trao đổi kinh nghiệm về du lịch cộng đồng, nông thôn (ngoài tỉnh); thiết kế, in tập gấp tuyên truyền sản phẩm du lịch; làm phim tuyên truyền du lịch nông thôn, cộng đồng, làng nghề…