Sức sống mới làng nghề đào cảnh Nam Phong 2

Sức quyến rũ, vẻ đẹp của loài hoa báo hiệu mùa xuân về khiến các vườn đào xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố) những ngày giáp tết trở nên nhộn nhịp và sôi động với hàng trăm lượt khách đổ về ngắm hoa, chụp ảnh hay chọn mua những cây đào tươi thắm về trang trí cho không gian thêm rực rỡ, khẳng định sức sống của một làng nghề vừa được tỉnh công nhận.

Cơ duyên với thú chơi tao nhã

Chỉ cách trung tâm Thành phố chưa đầy 10 km, một mặt của xóm Nam Phong 2 giáp dòng sông Bằng Giang thơ mộng với khung cảnh yên bình, vừa có ruộng vườn, đất đai màu mỡ, vừa có những quả đồi thoai thoải có thể trồng nhiều loại cây ăn quả và rau màu. Từ bao đời, gần trăm hộ là người Tày, Nùng, Kinh quần tụ ở đây gắn bó với nghề nông. Dẫu vậy, ông Hoàng Văn Chinh đam mê với cái đẹp, là người đầu tiên đưa hoa đào về địa phương trồng, đánh thức một tiềm năng đặc biệt của quê hương, vừa mở hướng phát triển kinh tế bền vững, vừa làm đẹp cho đời.

Giữa không gian tràn ngập sắc hoa xuân, người thương binh hạng 2 Hoàng Văn Chinh bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian sau khi phục viên. Sau năm 1975, hòa bình lập lại, Hoàng Văn Chinh trở về địa phương cùng nhiều mảnh đạn còn găm trong cơ thể. Nhưng ông may mắn hơn nhiều đồng đội là vẫn còn có thể tự đi khắp nơi và cơ duyên khi ông được ghé thăm các làng hoa Ngọc Hà, Tây Tựu ở Hà Nội. Thấy hoa đào đua sắc mỗi độ xuân về, đem lại không khí vui vẻ, ấm áp, để rồi từ đó ông ấp ủ ý tưởng trồng đào. Từ những năm 1990 - 1991 ông bắt đầu trồng đào, song ban đầu mới chỉ là trồng để làm cảnh rồi dần dần mới nghĩ đến việc phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Khi đưa hoa đào về địa phương trồng, với bàn tay khéo léo của ông đã tạo ra những cây cảnh đẹp, cho giá trị kinh tế cao. Từ đó, người dân địa phương bắt đầu học ông trồng đào và tìm tòi, sưu tầm đa dạng nhiều loại giống đào để phát triển thành làng hoa đào cảnh như ngày hôm nay.

Ông Hoàng Văn Chinh chăm sóc vườn đào.

Ông Hoàng Văn Chinh chăm sóc vườn đào.

Theo ông Chinh, muốn có cây đào đẹp thì những người trồng giống như một nghệ nhân, ngay từ mấy tháng đầu năm phải uốn cây tạo dáng, chăm sóc cho cây đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên bấm tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại. Việc uốn nắn cho cây vào thế cũng rất phức tạp, đòi hỏi người trồng không chỉ có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt mà còn phải có khiếu thẩm mỹ. Muốn cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán thì trước đó khoảng 60 ngày phải tuốt lá đào để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nhiều nụ, bông hoa to, khỏe; dựa theo tình hình thời tiết mà điều chỉnh phù hợp.

Trải qua 36 năm trồng đào, ông Chinh nhận thấy nhu cầu và thị hiếu của thị trường hoa đào có sự thay đổi đáng kể, đúng theo quy luật đời sống càng cao thì nhu cầu càng cầu kỳ và chơi hoa đào cũng vậy. Ngày xưa tết đến người ta chỉ đơn giản có một cành đào phai, đào tự nhiên bản địa đặt trong nhà, thì nay ngoài chọn cây đào trưng trong nhà, người ta còn trưng ở công sở, doanh nghiệp; chọn cây theo thế, dáng hợp với phong thủy cho đến màu sắc, chủng loại: đào bích, đào phai, đào thất thốn, đào 4 cánh, đào 5 cánh, đào đơn, đào kép, đào huyền, mai trắng, mai vàng… Nắm bắt được xu thế đó, người trồng đào cảnh Nam Phong cũng đa dạng chủng loại trong vườn đào của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nâng cao thương hiệu hoa đào Nam Phong

Khởi đầu từ ông Chinh, sau đó có thêm 4 hộ, đến nay, Nam Phong 2 có 67/93 hộ trồng đào với diện tích trên 6,5 ha. Trung bình mỗi hộ có vài trăm đến 1.000 gốc đào là sản phẩm bán và quay vòng cho thuê. Hoa đào trở thành cây mũi nhọn của xóm và trở thành thương hiệu “đào Nam Phong”. Doanh thu của các hộ trồng đào tăng hằng năm, hộ trồng nhiều từ 200 - 250 triệu đồng, hộ ít từ 30 - 50 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập bình quân của các hộ trồng đào đạt 108 triệu đồng, chiếm 84,7% tổng giá trị sản xuất của xóm; năm 2023, thu nhập bình quân 120 triệu đồng, chiếm 91,7% tổng giá trị sản xuất của xóm. Tính chung qua hơn 20 năm trồng đào của cả xóm, nhiều hộ có kinh tế khá giả, xây được nhà giá trị hàng tỷ đồng, mua ô tô… Không như nghề nông đơn thuần, lớp trẻ ở Nam Phong biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh của nghề trồng hoa đào, quan tâm săn tìm các giống đào quý từ các địa phương khác đem về trồng, chiết, ghép với những cây có giá trị nhiều triệu đồng, đa dạng sản phẩm phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Ngoài thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, với sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ theo đơn đặt hàng vượt ra ngoài phạm vi tỉnh đi Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… và một số tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên số lượng chưa đáng kể.

Khách đến mua hoa đào tại xóm Nam Phong 2 những ngày giáp tết.

Khách đến mua hoa đào tại xóm Nam Phong 2 những ngày giáp tết.

Những năm gầy đây, thị trường hoa cảnh cũng vấp phải sự canh tranh với sản phẩm từ các tỉnh miền xuôi, song những đặc tính nổi trội như cánh hoa to, dày, sắc hoa thẫm, bền màu của đào cảnh Nam Phong đã khẳng định được chỗ đứng ở thị trường trong tỉnh. Theo ông Ma Văn Roóng, Phó Bí thư Chi bộ xóm Nam Phong 2, diện tích đào đến nay đã ổn định. Hiểu rõ giá trị cây đào, hiện người trồng đào Nam Phong tập trung đầu tư về chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa phương. Nghề trồng hoa đào cảnh đã và đang trở thành nghề chính chiếm phần lớn trong sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác.

Ngày 8/10/2024, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận làng nghề tỉnh đối với Làng nghề trồng đào cảnh xóm Nam Phong 2. Qua đây có thể thấy sự quan tâm của chính quyền về vai trò, tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, phát huy thế mạnh của địa phương, hướng tới phát triển các mô hình dịch vụ, du lịch sinh thái, từng bước tạo nên cảnh quan nơi đây đầy sự thu hút, hấp dẫn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển bền vững, người dân Nam Phong 2 mong muốn được tiếp cận, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường xóm để đáp ứng yêu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa; nghiên cứu bố trí địa điểm bán sản phẩm thương hiệu “đào Nam Phong” ở vị trí phù hợp, góp phần tô điểm cho không gian Thành phố trong dịp tết đến, xuân về.

Xuân đã về với đất trời và hoa lại về với muôn nhà. Từ làng hoa này, bằng chồi non, lộc biếc, những cành hoa đào thắm khoe sắc trong ngày xuân sẽ mang may mắn, niềm vui ngày tết đến với mọi nhà!

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/suc-song-moi-lang-nghe-dao-canh-nam-phong-2-3174960.html
Zalo