Chợ quê ngày cuối Chạp
Chợ quê ngày cuối Chạp
“…Rộn ràng sắc xuân tràn ngập
Cúc, mai choàng tấm áo vàng chợ quê…”
(Phiên chợ cuối năm - Trần Hải Lộc)
Ngày cuối Chạp, khi sắc xuân đã phủ khắp mọi nẻo đường, làng quê lại náo nức chuẩn bị đón một năm mới tràn đầy hy vọng. Không khí tết như len lỏi trong từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ, tạo nên một không gian vừa rộn ràng, vừa bình yên.
Chợ tết quê vào những ngày cuối Chạp không chỉ là nơi để người dân trao đổi hàng hóa mà còn là điểm hẹn của cả xóm làng. Khi mặt trời vừa lên, bà con trong xóm đã lục đục đi chợ. Tiếng bước chân đều đặn của người dân, tiếng rao bán, tiếng trò chuyện xôn xao, tạo thành âm thanh ấm áp, quen thuộc. Dù chợ quê nhỏ, đơn sơ nhưng đầy đủ mặt hàng. Bước vào chợ, mùi thơm của bánh chưng, bánh tét, mùi hoa cúc, hoa mai, hoa vạn thọ... thoang thoảng trong không khí, như hối thúc người ta mau chóng chuẩn bị đón tết Nguyên đán.
Trong chợ, nhiều sạp hàng bày bán các loại đặc sản tết. Những mâm bánh chưng vuông vức, bánh tét tròn trịa được gói bằng lá chuối. Mỗi chiếc bánh như một món quà dân dã của quê hương, được làm từ bàn tay khéo léo của những người dân quê tận tâm. Người bán bánh không quên chào mời khách, với những lời quen thuộc, giản dị: “Bánh này mới nấu đêm hôm thôi, bằng nếp mùa, bảo đảm ngon lắm cô/ thím ạ!”. Những câu mời khách mua bánh, nghe sao mà thân thương đến thế.
Ngoài những món ăn đặc trưng của ngày tết, chợ quê còn bày bán đủ loại hoa để trang trí trong ngày tết, nhưng nhiều nhất là hoa vạn thọ. Người dân quan niệm hoa vạn thọ không chỉ để trang trí mà còn là để cầu may mắn, tài lộc cho gia đình trong năm mới.
Ngày cuối Chạp cũng là dịp mà người dân trong làng tạm gác lại những công việc đồng ruộng, vườn tược… để ghé chợ. Những người mẹ cẩn thận chọn lựa bộ đồ, đôi dép mới cho con. Mân mê chọn dưa hấu, nải chuối, trái thanh long… để về bài trí trên bàn thờ gia tiên trong ngày tết.
Chợ tết không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ bạn bè, bà con. Những tiếng cười giòn giã, những câu chuyện cũ được kể lại trong tiếng rao bán hàng, trong những bước chân dồn dập của người đi chợ. Mỗi người đều mang trong mình một tâm trạng rộn ràng, những lo âu về một năm cũ qua đi, những hy vọng về một năm mới an lành, phát đạt. Mọi người gặp nhau, hỏi thăm nhau và chúc nhau: “Năm mới, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng”.
Chợ tết quê hôm nay còn bày bán đồ trang trí như những cặp câu đối đỏ, những bao lì xì đỏ thắm, những chiếc đèn lồng rực rỡ… làm cho không gian chợ ngày cuối Chạp thêm nhiều sắc màu tươi mới. Người dân quê đón tết giản dị, mộc mạc, nhưng lại đầy đủ tình cảm và sự quan tâm. Dù không gian chợ tết có thể chưa được đẹp như những khu chợ lớn ở thành phố, nhưng trong không gian ấy có sự gần gũi, thân quen mà chẳng nơi nào có được.
Chợ tết quê có sự giao thoa của tình cảm, của những giá trị văn hóa lâu đời. Không gian ấy không chỉ có những món đồ vật chất, mà còn mang những giá trị tinh thần, những lời chúc, những tình cảm đong đầy mà người dân dành cho nhau. Và dù có đi đâu, về đâu, chợ tết quê ngày cuối Chạp sẽ luôn là một ký ức khó quên.