Sức sống mới giữa đại ngàn Trường Sơn
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, trên con đường hướng về Khe Sanh miền Tây Quảng Trị, chúng tôi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, đi qua xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là nơi đóng quân của Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337). Trong tiết trời xuân ấm áp, những người lính lại tiếp tục cùng người dân Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Hướng Hóa chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây thanh long ruột đỏ - Ảnh: P.H.H
Trên đỉnh đèo Sa Mù quanh co nhìn xuống, Chính ủy Trung đoàn 52, Thượng tá Nguyễn Đình Thắng tâm sự: “Khu vực dự án kinh tế - quốc phòng đều là các xã đặc biệt khó khăn. Nơi đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, cửa ngõ của tuyến huyết mạch Bắc - Nam, nối với hạ Lào. Địa hình chia cắt, núi non hiểm trở. Không điện, không mạng lưới thông tin liên lạc. Cả khu vực dự án trải rộng hơn 666,47 km2 chỉ có duy nhất tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây từ chiến tranh để lại hết sức hoang sơ.
Cuộc sống của quân dân vùng dự án rất thiếu thốn, khó khăn. Nhiệm vụ mới của đoàn được ghi rõ trong mấy dòng biên niên sử: “Khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, kiên cường, quyết thắng”, nhưng những gì cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52, Đoàn 337 đã làm cho Nhân dân trên tuyến biên giới Việt - Lào, miền Tây Quảng Trị thì không chữ nghĩa nào diễn tả hết được. Là bộ đội nhưng chúng tôi lại cầm cây cuốc, cây rựa, mang kiến thức làm ăn, phát triển kinh tế truyền đạt đến đồng bào.
Chúng tôi đọc sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được huấn luyện về nông vụ, thời tiết, thổ nhưỡng rồi thành cán bộ khuyến nông mang màu áo lính... Nhận thấy đất đai khu vực các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh phù hợp để phát triển cây dong riềng, cán bộ Trung đoàn 52, Đoàn 337 hướng dẫn cho dân trồng cây dong riềng, hỗ trợ dân sản xuất miến dong và tìm đầu ra tiêu thụ cho dân...”.
Nhiều hộ dân thoát nghèo từ sản phẩm miến dong và sản phẩm này được gọi là “Miến dong 337”, mặc định như một thương hiệu đặc biệt. Chị Hồ Thị Thoa ở thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng là hộ nghèo, được cán bộ các đội sản xuất của trung đoàn hỗ trợ cho mượn đất để trồng cây dong riềng, lấy củ bán cho cơ sở chế biến và sau mấy mùa dong riềng đã thoát nghèo. Không chỉ mô hình phát triển cây dong riềng thành hàng hóa hay giúp dân biết cách chăm sóc cây cà phê, nhiều tập quán lạc hậu bao đời của người dân cũng được thay đổi từ công lao người lính Trung đoàn 52.
Dưới làn gió se se lạnh, chúng tôi về Đội sản xuất 7 gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng đang xắn quần cao ngang đầu gối, mặt lấm lem bụi đất cùng đồng đội, người trồng sắn, người vun xới vườn cây ăn quả, người cắt cỏ, chăn dê...
Anh Hoàng lau vội mồ hôi trên mặt, nói với tôi: “Đặc thù của đội ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thì chúng tôi tập trung công tác sản xuất, được đoàn giao cho bảo vệ hơn 200 ha rừng phòng hộ, hơn 30 ha diện tích chăn nuôi, trồng trọt.
Hiện nay chúng tôi đã trồng hơn 3 ha sắn cao sản, 2 ha ổi, dứa, chuối và hơn 1 ha dong riềng... Đặc biệt, khu chăn nuôi tập trung với diện tích gần 1 ha đã thả nuôi gần 100 con bò, dê, lợn và hơn 250 con gia cầm.
Đối với công tác dân vận, đội phụ trách thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng và xã Đakrông với hơn 1.532 hộ, 6.907 nhân khẩu. Đoàn đã tặng 178 con dê, 20 con bò và 39 nông cụ sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón để sản xuất 5,9 ha lúa nước.
Đội trực tiếp hướng dẫn cho người dân chăn nuôi, trồng trọt. Chị Hồ Thị Lay thuộc thôn Xa Ry lâu nay chỉ nuôi lợn thả rông. Bộ đội Trung đoàn 52 đã giúp chị làm chuồng trại, hỗ trợ lợn giống để phát triển chăn nuôi. Có hàng chục mô hình phát triển kinh tế như thế đã được Trung đoàn 52 giúp đỡ” .
Chia tay những người “nông dân mang áo lính” nơi đại ngàn, trên đường trở về xuôi, lòng tôi ngập tràn niềm tin yêu, khâm phục về những thành quả mà đồng đội mình đã làm được cho Nhân dân miền Tây Hướng Hóa. Tin rằng, những làng quê mới nơi biên cương sẽ ngày càng khởi sắc trên con đường vươn tới đẹp giàu.