Giảm ùn tắc giao thông bằng cầu vượt nhẹ

Từ hiệu quả của hàng loạt cầu vượt nhẹ bằng thép trên địa bàn Thủ đô, mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất xây dựng thêm 5 cầu vượt tại 5 nút giao có lưu lượng phương tiện lớn nhằm xử lý tình trạng ùn tắc. Giải pháp này cũng tăng khả năng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố.

Cầu vượt nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc - Thái Hà là một trong những cầu vượt đầu tiên được triển khai tại thành phố Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải

Cầu vượt nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc - Thái Hà là một trong những cầu vượt đầu tiên được triển khai tại thành phố Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải

Cần sớm xây dựng thêm 5 cầu vượt

Trong số 5 vị trí được đề xuất xây dựng cầu vượt nhẹ, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên) được các cơ quan chức năng đánh giá là “nóng” nhất. Nút giao này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, trong khi ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã và đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông cấm rẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn và điều chỉnh cho các phương tiện đi vào các ngõ 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn. Cùng với đó là điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông và bố trí lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông. Tuy nhiên, ùn tắc tại đây vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm. Vì vậy, phương án xây cầu vượt sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và tăng khả năng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, như: Cầu Vĩnh Tuy, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Đàm Quang Trung…

“Trục đường Cổ Linh, đặc biệt là đoạn từ đầu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng về hướng siêu thị Aeon Long Biên, vào khung giờ cao điểm, các phương tiện di chuyển rất khó khăn, do xung đột giao thông tại nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn. Dù lực lượng chức năng duy trì chốt trực phân luồng nhưng tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên diễn ra, do lưu lượng người tham gia giao thông quá lớn. Tôi cho rằng, việc xây cầu vượt thép tại đây là phù hợp!”, ông Nguyễn Minh Tuấn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) nhận định.

Ngoài nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn, 4 nút giao khác được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất sớm triển khai xây dựng cầu vượt là các nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm), Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (đều thuộc huyện Gia Lâm). Đây cũng là những điểm nóng về ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm. Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Hiệu quả từ giải pháp cấp bách

Từ nhiều năm trước, quá trình đô thị hóa nhanh cộng với sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân đã dẫn tới tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến đường, nút giao của thành phố. Tình trạng này diễn ra nhiều năm, trở thành vấn đề dân sinh bức xúc, gây ra những hệ lụy cả về kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã thử nghiệm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông qua việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại một số ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ.

Sau 2 cầu vượt nhẹ khánh thành năm 2012 là Tây Sơn và Láng Hạ, đến nay toàn thành phố Hà Nội đã có 13 cây cầu bắc qua các ngã tư trọng điểm. Nhiều cầu vượt đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông khu vực, cũng như giảm đáng kể tình trạng ùn tắc khi không còn xung đột giao thông. Điển hình như cầu vượt nút giao Trần Khát Chân - Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), cầu vượt nút An Dương Vương - đường Thanh Niên (quận Tây Hồ), cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy); cầu vượt Liễu Giai - Kim Mã (quận Ba Đình)…

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, phương án xây cầu vượt thép là giải pháp cấp bách được thành phố Hà Nội lựa chọn trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, trong lúc chưa đủ điều kiện làm hoàn chỉnh các nút giao. Dù chỉ là những cầu vượt nhẹ song vẫn cơ bản đáp ứng cho các phương tiện đi qua mỗi ngày, góp phần giải quyết những "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin, toàn thành phố hiện còn 36 tuyến đường, nút giao thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Do đó, việc sớm triển khai các cầu vượt thép sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết từ 8 đến 10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2025 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025) đi vào cuộc sống đang dần thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần tăng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân, từng bước tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. Có như vậy, ùn tắc giao thông mới được kéo giảm một cách bền vững.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-un-tac-giao-thong-bang-cau-vuot-nhe-693669.html
Zalo