Sức sống mới của ca trù Hà Nội

Sau 15 năm UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, tại Hà Nội, ca trù đã dần hồi sinh, vượt qua khó khăn để trở lại với đời sống tinh thần của người Việt.

Bền bỉ giữ lửa ca trù

“Khi xây dựng hồ sơ Ca trù trình UNESCO, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu tâm huyết bởi nhìn thấy đây là vốn quý của dân tộc. Lúc đó có 2 chuyên gia quốc tế phản biện hồ sơ đặt ra những câu hỏi hóc búa như: Liệu rằng hồ sơ có bỏ sót cộng đồng nào không? Tương lai ca trù sẽ như thế nào trong đời sống hiện đại?... Điều đó cho thấy họ rất hiểu ca trù giá trị ra sao và câu chuyện bảo vệ ca trù đang có vấn đề” - TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, từng tham gia đoàn bảo vệ hồ sơ Ca trù đề nghị UNESCO ghi danh (năm 2009) chia sẻ tại tọa đàm Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa thành phố Hà Nội mới đây.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, trước kia, GS. Tô Ngọc Thanh, GS. Trần Văn Khê luôn đau đáu chỉ sợ ca trù biến mất, bởi đây là loại hình kết tinh nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, với nhiều câu lạc bộ ca trù và nghệ nhân, các chính sách quan tâm bảo tồn, truyền dạy bài bản… ca trù đã sống lại, tuy vẫn chưa được làm hồ sơ đề nghị UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đặc biệt là cộng đồng đã làm sống lại ca trù trong đời sống đương đại, dù còn có khó khăn. Giới thiệu bài hát lót “Sinh con giai cho đi học chữ”, NSƯT Nguyễn Văn Khuê, Giáo phường Ca trù Thái Hà, cho biết, đây là bài hát mới được ông nghiên cứu, sưu tầm lại. Ca trù vốn có khoảng 70 làn điệu, nhưng nay chỉ còn hơn 40 làn điệu. Sinh ra trong gia đình có 7 đời nối nghiệp ca trù, NSƯT Nguyễn Văn Khuê dành nhiều thời gian sưu tầm, hệ thống lại tư liệu, làn điệu cổ, viết các bài tìm hiểu về ca trù để góp phần gìn giữ nghệ thuật này.

 Ca trù Hà Nội dần hồi sinh. Ảnh: BVH

Ca trù Hà Nội dần hồi sinh. Ảnh: BVH

Cũng say mê ca trù, NNND Bùi Thế Kiên, CLB Ca trù Ngãi Cầu, Hoài Đức, chia sẻ: “Truyền thống ở làng tôi cứ mỗi khi tết đến xuân về có lệ hát thờ ở đình, với 3 tối hát ca trù. Chúng tôi tìm hiểu phong tục xưa để lại, cách hát, cách múa ra sao và tiếp nối… Năm 1993, câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu được thành lập, đến nay có 23 thành viên sinh hoạt đều đặn. Tuy nhiên, hiện nay tìm đào nương trẻ hát ca trù rất khó, vì các cháu nhỏ bận đi học, trong khi bố mẹ các cháu chưa hiểu về ca trù. Câu lạc bộ mở rộng cửa, bất kể già, trẻ, ai yêu mến đều có thể tới học”.

Nhiều câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội được thành lập và sinh hoạt nhiều năm nay, hình thành một đội ngũ đông đảo công chúng thưởng thức và tham gia ở các phương diện: đàn, hát, trống, phách, sáng tác, nghiên cứu. NNND Nguyễn Thị Tam cho biết, Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ, Đan Phượng, có 30 người thuộc nhiều lứa tuổi, 30 năm nay, vẫn duy trì sinh hoạt, truyền dạy ca trù 3 buổi/tuần, hiện nay các đào nương trẻ trong câu lạc bộ được mời đi hát ở nhiều nơi trong các dịp lễ, lễ hội… để quảng bá rộng rãi di sản này.

Cần biến giá trị di sản thành sản phẩm

Thành lập, ra mắt Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội từ năm 1990, biểu diễn quảng bá và nghiên cứu ca trù trong nhiều năm, TS.NSƯT. Lê Thị Bạch Vân vui mừng khi sau 60 năm chìm lắng, ca trù được công nhận và ghi danh. Gần đây, số lượng đào kép trẻ tham gia liên hoan, cuộc thi khởi sắc so với giai đoạn trước, đông hơn, trẻ hóa, từ 4 - 5 tuổi cho đến cụ già trên 90 tuổi. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của nghệ thuật ca trù trong đời sống đương đại. Đó cũng chính là biểu hiện tích cực, mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Tuy nhiên, theo TS.NSƯT. Lê Thị Bạch Vân, ca trù có cái khó là âm nhạc không thể ghi ra được (chỉ nhìn bản nhạc thì đàn, hát không ra ca trù), dễ mất về giai điệu. Bên cạnh đó, tiết tấu và phách rất khó, đào nương phải hát đúng lời ca, làm rõ các thanh trong tiếng Việt và phải ra hơi ca trù... Điều này đòi hỏi bắt buộc phải truyền nghề trực tiếp, dù thời đại 4.0 nhưng không thể học online…

Nghiên cứu ca trù 42 năm, có nhiều cuốn sách về ca trù, TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học, cho biết: Hà Nội là địa phương có ca trù phát triển hàng đầu, có văn bản hát nói nhiều nhất, có nhiều văn bia nội dung về mua bán quyền hát cửa đình -lần đầu tiên trong lịch sử xác định có loại hình âm nhạc được xác nhận bán quyền hát. Sau cách mạng, ca trù không được đề cao trong xã hội, nhưng trong lòng Hà Nội vẫn có những nhóm giữ gìn nghệ thuật này. Hiện đã có chính sách duy trì, phát triển ca trù, nhưng cần khơi dậy đam mê của các thành viên câu lạc bộ, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu các làng từng có hát ca trù, thống kê các văn bản Hán Nôm liên quan; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của ca trù…

Trong khi đó, NNND Bùi Thế Kiên cho rằng, muốn phát triển rộng rãi thì ca trù phải được biểu diễn, quảng bá; muốn vững mạnh cần có người chơi đàn, đàn làm linh hồn của hát… TS. Lê Thị Minh Lý nhận định, hiện nay, tại Hà Nội có không gian văn hóa, thực hành nghi lễ gắn với ca trù, cần nghiên cứu, phát huy các không gian này. Bên cạnh đó, cần kết nối cộng đồng ca trù, có chính sách để các câu lạc bộ có điều kiện truyền dạy, biểu diễn. Cộng đồng ca trù đang thiếu cơ hội, không gian trình diễn, trong khi phố cổ Hà Nội có những không gian đình có thể biểu diễn quảng bá ca trù. Đồng thời, cần sáng tạo các hình thức trình diễn mới trên cơ sở bản sắc, bởi muốn phát triển công nghiệp văn hóa phải có các hình thức trình diễn mới, thu hút đội ngũ trẻ…

"30 năm qua, dưới sự duy trì của nghệ nhân, ca trù vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần biến giá trị di sản thành sản phẩm nhân văn, có tính xã hội, thương mại, thu hút khách du lịch và phục vụ cộng đồng", nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm nói.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-song-moi-cua-ca-tru-ha-noi-post400505.html
Zalo