Sức sống lâu bền của cái đẹp
Tết Nguyên đán là lúc nhiều nét văn hóa của người Việt hiện diện trong đời sống. Những nét văn hóa ấy, không phải ngẫu nhiên có sức sống bền chặt trong cộng đồng.
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhiều người Việt quen với tục cúng ông công, ông táo - 3 vị thần được gia chủ thờ phụng là thần đất, thần nhà, thần bếp, gọi chung là “ông táo” hoặc “táo quân”. Mặc dù du nhập từ nước ngoài nhưng qua nhiều thế kỷ, nó đã được Việt hóa, trở thành một phong tục phổ biến trong cộng đồng. Mỗi gia đình, các thành viên trong một gia đình cũng có thể có quan điểm khác nhau về việc cúng ông táo, hay nhiều phong tục khác cũng vậy. Thậm chí ngay chính một người, mỗi giai đoạn phát triển có trình độ khác nhau, nhận thức khác nhau, cũng có cách nhìn nhận, ứng xử khác nhau với tín ngưỡng, văn hóa trong cộng đồng. Sự khác nhau về tôn giáo cũng sẽ có những lăng kính khác nhau khi cảm nhận phong tục, tập quán, tín ngưỡng trong cộng đồng. Thế nhưng, tất cả đều có điểm chung, đó là những gì hướng thiện, hướng tới cái đẹp luôn có sức sống lâu bền, ngược lại sẽ dần bị đào thải.
Tết Nguyên đán là lúc nét đẹp văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam hiện diện đậm đặc nhất. Có gia đình chỉ mong được sum vầy bên người thân là đủ, nhiều người chỉ mong được ăn một bữa cơm với người thân, được ngủ trong căn phòng mà mình từng lớn lên, được đi trên con đường mình từng bao năm đi học. Có gia đình phủ kín những câu chuyện, hình ảnh về sự hiếu thuận của con cái với ông bà, cha mẹ phủ kín sự hoài cổ về chuyện “ngày xưa” và sự đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Có gia đình nổi bật, sôi động với sự đoàn kết tình thân bằng những nghi lễ truyền thống của con rể với cha mẹ vợ, của con dâu với cha mẹ chồng, nghi lễ của gia đình vai thứ với vai trưởng, nghi lễ của thông gia với nhau.
Có gia đình, đó là câu chuyện về bài học, kinh nghiệm trong cuộc sống, trong làm ăn kinh doanh được trao truyền. Có gia đình, nhóm bè bạn, thầy - trò, đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới tổng kết năm cũ, giáo dục, nhắc nhở nhau bằng những câu chuyện, bài học đã qua nhiều thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị về “ngũ họa”, “tứ tôn”, “tam sĩ”. “Ngũ họa” là 5 cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII cần đề phòng, là trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. “Tứ tôn” là 4 điều tân khoa Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm hiến kế đầu thế kỷ XX, gồm tôn trọng nòi giống sẽ đại hòa hợp, tôn trọng bổng lộc sẽ đại nguy nan, tôn trọng tài năng sẽ đại phồn thịnh, tôn trọng siểm nịnh sẽ đại suy vong. “Tam sĩ” là ông cha đúc kết, cũng là sĩ phu (trí thức, người có trình độ cao), nhưng có tới 3 kiểu sĩ phu, người đời nhìn nhận cho cẩn thận, chính xác, không nhầm lẫn, gồm sĩ phu ăn theo nói leo để tồn tại và tiến thân; sĩ phu chán nản, chỉ chê bai, không làm nên trò trống gì; sĩ phu yêu nước, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên trung vì dân tộc.
Đó còn là những điều thú vị đúc kết từ cuộc sống, được sẻ chia, dành cho nhau sau một năm công việc bộn bề của mỗi người. Đúc kết ấy, có khi phải ngồi thâu đêm mới nói hết được. Nhưng cũng có đúc kết, qua một đời người lăn lộn, bươn chải, bỗng một ngày cuối năm chợt nhận thấy, hóa ra những lý lẽ phức tạp trong kinh doanh, buôn bán, làm giàu, thậm chí phát triển của cả một vùng đất, đã có từ thuở ấu thơ qua trò chơi “cờ triệu phú”, “cờ tỷ phú”.
Những ngày tết, đêm giao thừa hay khoảnh khắc giao thừa, ai cũng từng ít nhất một lần lắng lại chính mình trong giây lát. Cũng là một nét văn hóa, sự lắng lại ấy, nếu hướng thiện, hướng tới cái đẹp, làm đẹp cho cộng đồng, sẽ có sức sống lâu bền và được tôn trọng...