Sông Bé - nguồn cảm hứng nghệ thuật
Xuôi theo dòng sông Bé, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được những vẻ đẹp cuốn hút lạ kỳ. Đó là nét hoang sơ của dòng sông, của thiên nhiên đa dạng, là những cảnh đời sông nước thú vị, là nét đẹp trong lao động của bao người bươn chải kiếm sống mỗi ngày. Và tự bao giờ, sông Bé đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật thăng hoa.
Trong kháng chiến, thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều cuộc biểu tình bị dồn trong biển máu, nhà tù mọc lên bên rừng cao su. Sông Bé hôm nay êm đềm, hiền hòa là vậy nhưng dòng sông ấy đã có thời kỳ là huyệt mộ sâu của những người theo cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địch bắn phá ác liệt, trong “mưa bom, bão đạn”, nhiều chiến sĩ của ta bị thương, hy sinh. Trước sự đàn áp dã man của giặc, nhân dân ta vẫn kiên cường đứng lên đấu tranh quyết liệt. Dòng sông Bé oai hùng đã chứng kiến tất thảy tội ác chiến tranh, ghi lại không khí toàn quân, toàn dân hừng hực khí thế lên đường đánh giặc, quên mình vì nhiệm vụ cứu nước.
Âm nhạc đã đồng hành suốt một thời khói lửa, chờ đến ngày hàng triệu trái tim cùng cất lên khúc ca đất nước trọn niềm vui - non sông liền một dải. "Mỗi bước ta đi" là tác phẩm đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến. Bài hát mang đến nhịp điệu hành khúc hùng mạnh, giai điệu, tiết tấu mạnh mẽ, tạo cho người nghe cảm giác như đang sống trên điểm nóng của chiến trường.
"Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân
Miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc
Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa
Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng…".
Câu hát "Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng…" như tái hiện lại không khí 50 năm trước, khi bộ đội chủ lực của ta hừng hực khí thế chiến đấu, những người chiến sĩ giải phóng quân đang tiến những bước thật mạnh mẽ. "Mỗi bước ta đi" là mỗi bước chiến thắng, tiến thật gần đến hai chữ “hòa bình”. Và trong suốt tiến trình bước đến ngày vinh quang ấy, dòng sông Bé trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng.
Vai trò chứng nhân lịch sử của sông Bé cũng được mang vào thơ ca, nổi bật có “Gởi Sông Bé yêu thương” của tác giả Hoài Vũ:
"Ta về Sông Bé chiều nay
Tình yêu không đợi có ngày nước lên
Như xưa, vượt mấy thác ghềnh/Qua bao bão lửa làm nên Đồng Xoài
Qua bao nếm mật nằm gai
Dựng lên sừng sững tượng đài vẻ vang…"
Dòng sông Bé đẹp như tranh vẽ ấy cách đây mấy mươi năm trước đã trải qua bao biến động thời cuộc, ghi dấu những tháng ngày không thể quên của quân và dân Sông Bé năm xưa. Những cuộc đàn áp dẫu có bạo tàn vẫn không khuất phục được tinh thần yêu nước. Ta đã làm nên những chiến thắng hiên ngang, dựng lên những tượng đài vẻ vang sừng sững, nối tiếp niềm tự hào đến tận hôm nay.
Hay như trong bài thơ “Bình Phước thân thương”, tác giả Xuân Cường đã có mở đầu rất ấn tượng:
"Bình Phước mình đẹp lắm phải không em
Dòng sông Bé đã ngàn đời uốn khúc..."
Sông Bé đi cùng cụm từ “ngàn đời uốn khúc” đã nêu bật lên sự tồn tại lâu đời của dòng sông. Làn nước mát lạnh lấp lánh trong nắng, lưu giữ những ký ức của một thời xa xưa đã khắc sâu trong tâm thức của tác giả và nhiều thế hệ đi trước. Cụm từ “ngàn đời uốn khúc” đẹp ở chỗ, nó như một lời nhắc nhở, rằng từng tấc đất ta đang đứng, từng khung cảnh ta đang ngắm nhìn, từng giọt nước, dòng chảy của con sông quê hương đều thấm đẫm lịch sử, truyền thống và hình bóng của thế hệ ông cha.
Dòng sông nói hộ lòng người
Có lẽ, bởi thân thuộc với mọi mặt của đời sống con người, chuyện về những dòng sông đã trở thành một đề tài lớn trong thơ văn, trong những sáng tác âm nhạc… Cơ duyên gắn bó với mảnh đất Bình Phước đã để lại cho nữ ca sĩ trẻ Thúy Ái (Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước) nhiều nghĩ suy về hình tượng dòng sông Bé. “Dòng sông Bé với vẻ đẹp mềm mại, uốn lượn giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, tạo nên một khung cảnh lãng mạn, trữ tình, rất dễ đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Hơn vậy nữa, dòng sông Bé còn gắn liền với câu chuyện của người dân về sự chung sống, gắn bó với nhau, tình yêu quê hương và niềm tự hào về vùng đất đỏ bazan này” - ca sĩ Thúy Ái đầy tự hào khi nói về hình tượng sông Bé qua những ca khúc cô có cơ hội được thưởng thức và tập luyện. Bằng rung cảm và quan sát tinh tế của người nghệ sĩ, dòng sông Bé thân thương đi vào nghệ thuật với những ý nghĩa biểu tượng đa dạng và đặc sắc để nói hộ lòng người.
Bàn về những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ sông Bé, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhạc phẩm “Hát về một dòng sông” được nhạc sĩ Đặng Quang Vinh chấp bút năm 1981. Nhớ lại thời điểm sáng tác ca khúc, tác giả hoài niệm: “Lúc đó, chúng tôi cơm ăn phải độn khoai lang, khoai mì, bo bo… Để có thêm lúa gạo cải thiện, tôi được phân công cùng nhóm đi khai hoang trồng lúa ở vùng đất Bắc Tân Uyên bên dòng sông Bé. Sáng đi cuốc đất, chiều xuống sông tắm giặt, mọi sinh hoạt, ăn uống đều dùng nước sông này, đêm tôi nằm ở lán trại mà nghe văng vẳng tiếng thác Trị An đổ rì rào”. Và trong lần đầu tiên nhìn thấy dòng sông Bé, điều khiến nhạc sĩ Đặng Quang Vinh ngạc nhiên nhất là sông nhỏ, bờ sông sâu và nước chảy xuôi một dòng. Sớm tối cứ trôi qua như vậy, hết đợt này đến đợt khác, ròng rã nắng mưa suốt một mùa lúa đầu tiên. Ấn tượng về dòng sông ấy đủ thời gian ủ chín, đã cho ông hình thành những câu nhạc ban đầu: “Ai hỏi vì sao nước chảy xuôi dòng?”. Và tác giả bài hát tự trả lời: “Rằng để dòng sông tới nhanh biển Đông…”. Chính dòng sông nhỏ với dòng chảy xuôi một dòng ấy đã cho ông nguồn cảm hứng, mong muốn mãnh liệt được xuôi nhanh về một bến bờ xuân thắm tươi, tốt hơn của thời hiện tại nghèo khổ… Và cứ như thế, tác giả vừa công tác tại cơ quan vừa tranh thủ thời gian viết xong bài hát.
Khi được hỏi về thông điệp gửi gắm qua nhạc phẩm, tác giả Đặng Quang Vinh dí dỏm cho biết: “Lúc viết thì cứ viết chứ có nghĩ đến thông điệp gì đâu”. Ông chia sẻ thêm: Sau này, các bạn viết lý luận phê bình âm nhạc, viết báo… thường hay đề cập đến thông điệp bài hát, nhất là ở đoạn điệp khúc cũng là đoạn cao trào của bài: “Là sông Bé/ nhưng lòng sông rất rộng/ Sông chở đất mật đi trang trải trăm nơi/ cho khắp đôi bờ xanh biếc lá non tơ/ Đường đi tới/ ơi thênh thang rộng mở/ Con nước xuôi dòng cho nhanh tới biển Đông”. Ở đây, hình ảnh dòng sông chảy xuôi một dòng, dường như đang chở đầy những ước mơ, những khao khát… nhanh đến bến bờ no ấm, giàu đẹp và hạnh phúc cho quê nhà, cho đất nước. Một giấc mơ đổi đời hạnh phúc giàu đẹp của bốn mươi mấy năm trước giờ đã và đang từng bước hình thành một cách ngoạn mục trên quê nhà - “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Những vùng đất chung dòng sông Bé hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, tinh thần ấy được gửi gắm trong những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện khát vọng, niềm tin và tình yêu dành cho vùng đất, con người nơi đây. Những bài thơ, giai điệu ngày ấy sẽ còn mãi, những sáng tác mới sẽ tiếp tục nối dài nguồn cảm hứng bất tận mà sông Bé mang lại.