Sức sống của 'Cảng Hải Phòng'

Đầu thập niên 60 thế kỷ 20, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), là hậu phương lớn của miền Nam.

Cảng Hải Phòng được coi như “trái tim” của miền Bắc, mang trọng trách đầu mối giao thương nhộn nhịp giữa Việt Nam và các nước cũng như thành tâm điểm trong tiếp nhận viện trợ quốc tế. Không khí lao động quên cả ngày đêm trên cảng Hải Phòng nuôi dưỡng niềm tin người dân miền Bắc, cũng như nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ra đời trong bối cảnh tràn đầy niềm vui, lạc quan, bức panorama sơn mài khắc “Cảng Hải Phòng” do họa sĩ Nguyễn Văn Trường sáng tác, thể hiện nhịp điệu cuộc sống của những tháng ngày khó có thể quên…

 Cảng Hải Phòng - tranh của Nguyễn Văn Trường.

Cảng Hải Phòng - tranh của Nguyễn Văn Trường.

Quê quán ở miền Trung (năm 1918), nhưng họa sĩ Nguyễn Văn Trường lại dành như gần trọn sự nghiệp của mình gắn bó với Hải Phòng. Chọn một khe cửa hẹp, sơn mài khắc, vừa kết hợp được nét tinh xảo khéo léo của đôi bàn tay tài hoa trên từng mũi dao, lại tôn được lớp lớp trầm tích trên bề mặt kỳ công mà kỹ thuật sơn mài đem lại, họa sĩ Nguyễn Văn Trường nghệ thuật hóa, cá nhân hóa, phong cách hóa loại hình mang hơi hướng thủ công truyền thống. Có lẽ vì thế, Nguyễn Văn Trường vẫn được trọng thị gọi bằng danh xưng nghệ nhân bên cạnh danh xưng họa sĩ…

Năm 1955, thành phố Hải Phòng được giải phóng, họa sĩ Nguyễn Văn Trường chọn đô thị đang trên đà phát triển mạnh mẽ này làm nguồn cảm hứng bất tận cho quá trình lao động nghệ thuật. Từ những năm 60 tới những năm 90 của thế kỷ 20, Nguyễn Văn Trường có hàng loạt tác phẩm khơi gợi từ chính cội nguồn lịch sử và cuộc sống lao động giàu nhiệt huyết của người dân đất Cảng như: Lê Chân, Trận Bạch Đằng giang, Lấn biển, Cầu Thượng Lý, Nhà máy đóng tàu… Đặc biệt, “Cảng Hải Phòng” với khuôn khổ (293 cm x 76 cm) vào thời điểm ra đời - khoảng năm 1960 đến 1963, thâu nhận được quang cảnh làm việc kỳ vĩ trên “bến cảng quê hương tôi” vài năm sau ngày giải phóng. Ở tác phẩm được gọi là panorama, Nguyễn Văn Trường dốc vào đó rất nhiều sự tài hoa khiến quang cảnh lao động thường ngày trên cảng lung linh, giàu sức sống. Khuôn khổ tranh là lợi thế tạo nên bối cảnh lớn để đặt vào đó nhiều sự vật: tàu biển tải trọng lớn, cầu cảng dài, cần cẩu, xe chở hàng… và trên hết là những người công nhân “trung dũng kiên cường” đang mải mê công việc… “Cảng Hải Phòng” với những giá trị vượt qua được tính thời sự, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được lưu giữ bảo quản cùng nhiều tác phẩm quý giá khác của nghệ thuật nước nhà…

Không sinh ra ở Hải Phòng, nhưng lập nghiệp và thành danh ở Hải Phòng, họa sĩ Nguyễn Văn Trường tri ân mảnh đất hào sảng nâng đỡ mình bằng chính các tác phẩm hội họa thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước…

Theo: Baohaiphong.vn

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/suc-song-cua-cang-hai-phong-52665.htm
Zalo