Sức mạnh từ sự đồng lòng, thông suốt - Bài 5: Dồn toàn lực giải quyết vấn đề thực tiễn
Một trong những nội dung trọng tâm đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV (từ ngày 12 đến ngày 19-2) là xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là những vấn đề gắn liền với thực tiễn để bộ máy mới đi vào hoạt động trơn tru, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ
Sáng 13-2, phát biểu tại thảo luận tổ, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là “thời điểm vàng” triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy được nhân dân, các tổ chức, cơ quan đồng tình, ủng hộ, triển khai thực hiện rất nhanh và rất tốt. Đây là chủ trương rất đúng, là mong đợi lâu từ nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân - đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra. Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, việc đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối, Tổng Bí thư yêu cầu bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Đồng thời phải kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
![Người dân đánh giá sự hài lòng với sự phục vụ của công chức bộ phận một cửa UBND quận 12, TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_17_51474234/a2e650fa61b488ead1a5.jpg)
Người dân đánh giá sự hài lòng với sự phục vụ của công chức bộ phận một cửa UBND quận 12, TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phát biểu trong thảo luận tổ sáng 13-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội), cả nước đang triển khai khối lượng công việc rất lớn để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những bước đi rất mạnh mẽ. Thực tế, chỉ sau 2 tháng, chúng ta đã tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ trong tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương.
Bước đi như vậy khẳng định quyết định của Trung ương là rất chính xác, dựa trên căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, pháp lý và cơ sở chính trị. Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, cũng có những vấn đề phát sinh trong triển khai, song Trung ương khẳng định khó khăn đến đâu cũng sẽ đối diện, xem xét và tiếp tục xử lý.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, để sau khi thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị thì phải ban hành, sửa đổi bổ sung các quy định, giúp bộ máy mới đi vào hoạt động liên tục, hiệu quả hơn, chất lượng hơn, không bị gián đoạn công việc.
Sau khi tiến hành tinh gọn, sắp xếp bộ máy, Bộ Chính trị đã sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35, chuẩn bị một bước cho Đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh xử lý chính sách, địa phương phải lưu ý việc tinh giản phải đi kèm với việc có cơ chế, chính sách phù hợp giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ, có cống hiến. Những yêu cầu về việc này phải cao như nhau, bên cạnh việc làm tốt công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục.
Rõ ràng trong phân cấp, phân quyền
Một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tại các phát biểu, bài viết là cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới, phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ… Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương.
Quá trình nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước, TS Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học Luật TPHCM) cho rằng, cải cách hành chính ở các nước phát triển trước hết phải bắt đầu từ bộ máy của Chính phủ. Muốn Chính phủ thực sự “gọn gàng”, tất yếu phải giảm số lượng các bộ.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nêu rõ, trong điều kiện hiện nay, cần có các giải pháp phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, mạnh dạn giới thiệu những người ngoài Đảng có đức, có tài tham gia vào bộ máy lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.
“Yêu cầu quan trọng và cốt yếu của dân chủ trong giai đoạn mới là phải đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi hoạt động Nhà nước. Như vậy, toàn bộ bộ máy Nhà nước phải được tổ chức trên nền tảng “phục vụ nhân dân”, PGS-TS Lê Minh Thông nêu ý kiến.
Phát biểu tại thảo luận tổ kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV (sáng 12-2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, lần này, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, để bộ máy tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…
Đây là chủ trương lớn của Đảng, trong tháng 2-2025, cố gắng hoàn thành các công việc để tháng 3-2025 tổ chức, cơ cấu mới bắt đầu vận hành và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Thủ tướng nhấn mạnh, khi bộ máy, tổ chức, cơ cấu mới đưa vào vận hành sẽ có sự trơn tru, thuận lợi, nhưng cũng có những vướng mắc, trục trặc. Nếu khó khăn thì chúng ta phải giải quyết.
Theo Thủ tướng, việc vận hành bộ máy phải “đúng vai thuộc bài”. Ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao cho người đó, phân định rõ chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; càng rõ thì càng dễ đánh giá, xác định trách nhiệm.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ thực tiễn thấy cái gì vướng mắc thì phải sửa.
Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN:
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhận được sự hưởng ứng rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ NGUYỄN HÒA BÌNH:
Hiện nay ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, bộ máy quá cồng kềnh, làm 10 đồng chỉ có 3 đồng để xây dựng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, còn lại 7 đồng để cho chi thường xuyên. Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng mà trông cậy vào 30% ngân sách quốc gia thì không có cách nào khác là phải tinh gọn.
Tuy nhiên, để tinh gọn hiệu quả, cần phải có hành lang pháp lý phù hợp. Chúng ta phải có được bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn và tiền nhân dân đóng góp để “nuôi” bộ máy ít nhất có thể, còn lại dành tiền cho việc phát triển kinh tế - xã hội để cải thiện đời sống cho người dân.
TS PHẠM VĂN QUỐC - Trường Đại học Nguyễn Huệ (Bộ Quốc phòng):
Để bộ máy mới hoạt động hiệu quả hơn bộ máy cũ, việc quan trọng là phải phân cấp, phân quyền tối đa và việc này phải được quy định trong các luật khi sửa đổi. Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Việc phân cấp phải phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng tiếp nhận phân cấp của địa phương, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả. Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
GS-TS NGUYỄN QUỐC SỬU - Học viện Hành chính quốc gia:
Cải cách thể chế là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đối với Việt Nam, khi đất nước đang tìm kiếm những đột phá trong quản trị để thúc đẩy sự phát triển, mô hình bổ trợ có thể được coi là lựa chọn phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.
Đây là mô hình phân quyền với nguyên tắc bổ trợ, chính quyền địa phương có thể tự đưa ra các chính sách và quyết định liên quan đến khu vực của mình, nhưng chính quyền trung ương sẽ cung cấp sự hỗ trợ nếu cần thiết. Mô hình này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển cho chính quyền địa phương mà còn thúc đẩy việc xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ.