Sức mạnh từ Chỉ thị 40 tại Quảng Điền

Sự tham gia lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã góp phần đưa hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) thành 'trụ đỡ' thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Quảng Điền.

 Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho các mô hình kinh tế

Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho các mô hình kinh tế

Nâng cao chất lượng tín dụng

Không chỉ có nhiều mô hình quản lý vốn hiệu quả với dư nợ 57,3 tỷ đồng và 1.042 khách hàng còn dư nợ, thị trấn Sịa còn là địa phương tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCS. Đây là địa phương duy trì hiệu quả chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu, tỷ lệ nợ khoanh thấp nhất địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Sịa chia sẻ, việc theo sát quá trình tiếp cận, hỗ trợ thủ tục và sử dụng vốn của hội viên đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý vốn. Trước khi làm thủ tục giải ngân vốn, Hội chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể bình xét đối với các hộ được vay vốn. Đồng thời, Hội cũng trực tiếp kiểm tra, giám sát, đánh giá, tư vấn để hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Hội cũng phối hợp với ban quản lý tổ TK&VV tuyên truyền chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người vay, cách thức giải ngân, thu nợ, thu lãi, lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm, đặc biệt là đối với chương trình cho vay mục đích tiêu dùng.

Sau khi cho vay, các tổ, hội bám sát từng hội viên nhằm thực hiện tốt việc thu lãi hàng tháng, đối chiếu nợ vay để phát hiện kịp thời sai sót. Đôn đốc việc thu hồi nợ gốc theo phân kỳ và thu nợ gốc khi đến hạn nhằm tạo thói quen cho hộ vay có ý thức trả dần, giảm áp lực trả nợ khi đến hạn… Nhờ đó, chất lượng tín dụng luôn được duy trì.

Không chỉ có tổ, hội, các cấp ủy đảng, chính quyền thị trấn cũng coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Ngoài tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng cho điểm giao dịch xã, Đảng ủy thị trấn cũng thường xuyên nắm bắt các khó khăn còn tồn tại trong hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK&VV để kịp thời có những chỉ đạo, phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động TDCS trên địa bàn.

Theo ông Hồ Ngọc Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sịa, nhận thức rõ hiệu quả mà nguồn vốn TDCS mang lại, thị trấn luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Thị trấn luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng nhanh chóng, kịp thời.

Lồng ghép nhiều chương trình, dự án

Là địa phương dựa vào phát triển nông nghiệp là chủ yếu, lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Quảng Điền càng nhận thức và xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của TDCS trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Quảng Điền - ông Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh, những năm qua, TDCS đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và thực sự là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

“Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn TDCS, ngoài việc thực hiện các yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, huyện Quảng Điền đang thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình. Theo đó, tập trung việc hỗ trợ kết nối đầu ra cho các mô hình kinh tế trên địa bàn nhằm tạo sự phát triển toàn diện”, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền thông tin.

Với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng hành của các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK&VV, nguồn vốn TDCS trên địa bàn huyện Quảng Điền không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện đạt 494 tỷ đồng, tăng 59 tỷ đồng so với năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng 12,6%.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/suc-manh-tu-chi-thi-40-tai-quang-dien-151397.html
Zalo