Cách nào để có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030?

Để các hộ kinh doanh thấy chuyển đổi thành doanh nghiệp là một bước phát triển có lợi, Chính phủ cần ưu đãi thuế, ứng dụng thủ tục trực tuyến để hạn chế nhũng nhiễu, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Cần thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang công ty. Ảnh minh họa: LH

Cần thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang công ty. Ảnh minh họa: LH

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp trên cả nước từ gần 1 triệu hiện tại lên 2 triệu vào năm 2030 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi.

Theo các chuyên gia, mục tiêu này không quá xa vời, nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành công ty, đồng thời tiến hành cải cách mạnh mẽ về thể chế, tài chính và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp mới.

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi

Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp là thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hiện nay, ngoài hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cả nước còn có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đây chính là nguồn lực tiềm năng để gia tăng số lượng doanh nghiệp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, quy mô vốn và tài sản của hộ kinh doanh đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn 3,1 triệu hộ kinh doanh chưa đăng ký, chủ yếu thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức khoán.

Nhiều hộ kinh doanh vẫn còn ngần ngại trong việc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thủ tục phức tạp, thiếu thông tin rõ ràng, và môi trường kinh doanh không minh bạch là những lý do chính khiến họ lo sợ việc chuyển đổi.

Họ cũng lo ngại rằng khi trở thành doanh nghiệp, họ sẽ phải đối mặt với nhiều nghĩa vụ pháp lý hơn, như duy trì sổ sách kế toán và tuân thủ các quy định về thuế và giấy phép, điều này có thể tạo ra những gánh nặng tài chính và thời gian không cần thiết.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho chủ hộ mà cho cả nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nâng cấp từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm, và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Một khi được công nhận là doanh nghiệp, họ sẽ có khả năng dễ dàng tiếp cận các nguồn lực như ngân hàng, công nghệ, và nhân lực chất lượng cao hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ có lợi thế hơn trong việc mở rộng thị trường và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng việc nâng cấp này không chỉ giúp gia tăng doanh thu mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các đối tác lớn và nước ngoài.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi, như miễn thuế trong những năm đầu hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Việc này sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh tham gia vào lĩnh vực doanh nghiệp một cách tự nguyện hơn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo động lực vượt khó trong giai đoạn đầu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh. Cụ thể, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm chi phí không chính thức, và tái cấu trúc thủ tục hành chính là những biện pháp cần thiết.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực, cũng khuyến nghị nên có thời gian ưu đãi thuế trong ít nhất 3 năm cho các hộ kinh doanh khi họ chuyển đổi. Các cơ quan chính phủ cần đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch để các hộ kinh doanh cảm thấy rằng việc chuyển đổi là một bước phát triển tự nhiên và có lợi.

Cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ

Việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi và khuyến khích các nhà khởi nghiệp không chỉ gia tăng số lượng doanh nghiệp mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn lại 7 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và 1,5 triệu vào năm 2025 vẫn chưa đạt được, khi Việt Nam mới chỉ có gần 1 triệu doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh, cải cách hiệu quả trong bối cảnh mới để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: L.H

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: L.H

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa, chỉ ra doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như hệ thống pháp luật còn chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều cản trở và thủ tục hành chính phức tạp.

Họ cũng gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực như đất đai và vốn, và chưa nhận được sự ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Do đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp. Sự phối hợp đồng hành giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân sẽ quyết định đến thành công.

Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn kiến nghị cần giúp doanh nghiệp mới thành lập hiểu về các quy định để vượt qua "vùng xám" liên quan đến thủ tục hành chính, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và dự đoán được để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, các chuyên gia như TS. Lực nhấn mạnh rằng nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tạo ra môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ trong tư duy và chính sách hỗ trợ, nhằm tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Vị Chủ tịch HUBA thì cho rằng cần phải phân loại chính sách cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp. Các chính sách phải được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu ngành, giúp họ trở thành động lực đẩy các doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Với một hệ thống thủ tục hoàn toàn trực tuyến không chỉ giúp tăng tốc quy trình mà còn hạn chế rủi ro nhũng nhiễu.

Việc Chính phủ gán chỉ tiêu (KPI) về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các địa phương sẽ thúc đẩy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương cần phải giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, đồng thời bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Hơn hết, việc nâng cao tinh thần khởi nghiệp là điều thiết yếu để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Nếu như thế hệ doanh nhân cách đây gần 40 năm bắt đầu khởi nghiệp vì mưu sinh thì thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay cần khởi nghiệp từ khát vọng làm giàu và đổi mới sáng tạo, với tầm nhìn vươn ra thế giới. Với khát vọng lớn lao hơn, việc cần làm là xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, tin cậy, khuyến khích đổi mới và sáng tạo, từ đó phát triển lực lượng doanh nghiệp.

Việc cải cách này sẽ không chỉ nâng cao chất lượng quản lý nhà nước mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển và bền vững. Đất nước cần phải hành động một cách quyết liệt, sáng tạo và đồng bộ để không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong kỷ nguyên mới.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cach-nao-de-co-2-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2030/
Zalo