Sức mạnh mềm từ văn hóa dân tộc

Trước khi có một nước Việt Nam thống nhất về địa lý, chính trị, lãnh thổ…, đã có một nước Việt thống nhất trong chiều sâu văn hóa.

50 năm qua, sức mạnh mềm từ văn hóa đã giúp hình ảnh Việt Nam không chỉ hiện lên qua các chỉ số tăng trưởng, mà qua cả những nụ cười, những giá trị sống, vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn

Năm 1975, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà, khép lại cuộc chiến kéo dài suốt hàng thập kỷ. Nhưng, dù đất nước từng có lúc bị chia cắt thì có một dòng chảy vẫn luôn liền lạc, là sợi chỉ đỏ âm thầm kết nối hàng triệu con tim. Đó là dòng chảy văn hóa dân tộc.

Làm nên đại thắng

Trước khi có một nước Việt Nam thống nhất về địa lý, chính trị, lãnh thổ…, đã có một nước Việt thống nhất trong chiều sâu văn hóa.

Chính văn hóa là thứ đầu tiên kết nối lòng người, hun đúc ý chí và soi đường cho quốc dân đi. Trên những chặng đường cam go, khi niềm tin vào thắng lợi còn mờ xa, chính ngọn lửa văn hóa đã giữ cho dân tộc vững bền.

Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, có thể thấy rõ: mỗi bước tiến của quân dân ta đều gắn liền với một bước lan tỏa của văn hóa dân tộc. Từ bài hát "Giải phóng miền Nam" vang lên trong từng chiến hào đến những bức tranh cổ động truyền cảm hứng trên đường phố, từ những buổi biểu diễn của đội văn công phục vụ tiền tuyến đến những tác phẩm văn học vượt mọi ngăn cách để cất tiếng nói vì dân tộc - tất cả đã cùng nhau tạo nên một tinh thần bất khuất, một khối đoàn kết lớn chưa từng có.

Văn hóa khi ấy không chỉ "đi cùng cách mạng", mà là một mặt trận tiên phong, thuyết phục trái tim, thức tỉnh lương tri, kêu gọi đồng bào đoàn kết.

Điều kỳ diệu là ở chỗ: dù đất nước bị chia cắt về địa lý trong suốt 21 năm nhưng chưa bao giờ hồn cốt văn hóa Việt Nam bị chia đôi. Cùng ăn Tết Nguyên đán, cùng nhớ ngày giỗ Tổ thờ cúng tổ tiên, cùng nghe ru con bằng những câu ca dao ngàn đời thì dù bị chia thành hai miền, vẫn là một dân tộc. Chính sự thống nhất từ bên trong - thống nhất về tâm thức văn hóa, niềm tin vào giá trị dân tộc - đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô địch để đi đến thắng lợi ngày 30-4-1975.

Sau ngày thống nhất đất nước, cả dân tộc không chỉ bắt tay xây dựng lại đất nước về vật chất mà còn hàn gắn những vết thương tinh thần bằng chính văn hóa. Những người từng ở hai chiến tuyến tìm lại nhau qua âm nhạc, hội họa, thơ ca. Những câu chuyện chiến tranh được kể lại để hiểu nhau hơn. Chính văn hóa, với phẩm chất nhân văn sâu sắc, đã giúp dân tộc ta đi đến hòa bình, hòa giải, hạnh phúc.

Chương trình “Sắc màu thành phố” biểu diễn trước trụ sở UBND TP HCM tối 19-4-2025 đậm chất văn hóa, nghệ thuật và gắn kết cộng đồngẢnh: TẤN THẠNH

Chương trình “Sắc màu thành phố” biểu diễn trước trụ sở UBND TP HCM tối 19-4-2025 đậm chất văn hóa, nghệ thuật và gắn kết cộng đồngẢnh: TẤN THẠNH

Giữ gìn bản sắc

Nếu ngày đất nước thống nhất là một cuộc hành trình đi về phía nhau của những con người chung dòng máu Lạc Hồng thì những thập kỷ sau đó là hành trình đi ra thế giới, mang theo khát vọng vươn mình, đổi mới và hội nhập.

Nhưng trong làn sóng hội nhập sâu rộng ấy, có một điều không bao giờ được phép lãng quên: đó là giữ gìn bản sắc, giữ lấy phần hồn dân tộc giữa dòng chảy toàn cầu.

Khi hội nhập, không chỉ cơ hội mà có cả thách thức. Âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực từ các quốc gia phát triển du nhập ồ ạt, đặc biệt là trong đời sống giới trẻ. Một bộ phận không nhỏ thanh niên bắt đầu nói tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, mặc quần áo theo xu hướng ngoại quốc, sống nhanh, sống vội và đôi khi quên mất mình đến từ đâu. Đó không phải là lỗi của hội nhập, mà là lời cảnh tỉnh về sức đề kháng văn hóa, về năng lực giữ mình trong thời đại số.

Nhưng điều đáng mừng là trong chính cơn sóng ấy, văn hóa Việt Nam vẫn không mất đi mà lặng lẽ thích nghi, hòa nhập nhưng không hòa tan. Áo dài Việt Nam vẫn tung bay ở các sự kiện quốc tế, tiếng Việt vẫn ngân vang trong những cuộc thi tranh biện, diễn thuyết, bánh chưng bánh tét vẫn không thể thiếu trong Tết của người Việt ở khắp năm châu. Những nghệ sĩ trẻ kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử, những nhà thiết kế đưa họa tiết trống đồng lên sàn diễn thời trang thế giới, những bạn trẻ quay video hướng dẫn nấu phở, nấu bún bò bằng tiếng Anh… Tất cả đều minh chứng cho một bản sắc đang được làm mới, trẻ hóa và lan tỏa bằng ngôn ngữ của thời đại.

Trong nhiều năm qua, các chính sách phát triển văn hóa được Đảng và Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh. Các nghị quyết của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật, văn hóa, công nghiệp văn hóa đã thổi một làn gió mới vào cách tiếp cận văn hóa thời hội nhập, coi văn hóa không chỉ là di sản cần bảo tồn mà còn là nguồn lực để phát triển bền vững, nâng tầm quốc gia trong thế giới đa cực.

Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là đóng cửa, cũng không phải ôm khư khư những giá trị cũ một cách bảo thủ, mà là để văn hóa dân tộc trở thành điểm tựa cho sự đổi mới, để mỗi người Việt Nam, dù ở nơi đâu cũng biết rõ mình là ai, đến từ đâu và tự hào về điều đó.

Đất nước đã đi qua chiến tranh và hôm nay đang đi qua hội nhập để khẳng định mình. Trong cả hai hành trình ấy, văn hóa không chỉ soi đường mà còn giữ lửa cho tinh thần Việt Nam mãi tỏa sáng.

Lợi thế bền vững

Nếu trong quá khứ, văn hóa là cội nguồn của lòng yêu nước, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình thống nhất non sông thì hôm nay, trong thế giới đầy cạnh tranh về tầm ảnh hưởng và bản sắc, văn hóa chính là sức mạnh mềm của quốc gia. Đó là một dạng quyền lực không đến từ quân sự hay kinh tế, mà từ sự lan tỏa của giá trị, hình ảnh và niềm tin.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi quốc gia đều phải trả lời cho câu hỏi: Mình là ai trong thế giới này? Với Việt Nam, câu trả lời ấy đến từ chính chiều sâu văn hóa được đắp bồi bởi hàng nghìn năm lịch sử, bởi lòng kiên cường trước ngoại bang, bởi sự hòa hợp kỳ diệu giữa các dân tộc anh em. Và, khi thế giới bắt đầu quan tâm về một Việt Nam hậu chiến tranh, một Việt Nam trẻ trung, sáng tạo, năng động thì chính văn hóa là thứ đưa họ đến gần hơn với con người Việt Nam qua món phở, nón lá, áo dài, điệu múa, câu hát, thậm chí một bộ phim, một bài nhạc trên TikTok…

Không phải ngẫu nhiên khi Hà Nội, Hội An hay Đà Lạt được UNESCO ghi danh là "Thành phố sáng tạo". Không phải tình cờ khi ngày càng nhiều lễ hội văn hóa Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài, hay những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn lại chật kín khán giả trẻ. Đó không chỉ là sự trở về của khán giả với giá trị văn hóa mà còn là sự tái định vị vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu - không chỉ là một điểm đến mà là một cội nguồn văn hóa sống động, hấp dẫn và giàu bản sắc.

50 năm qua, sức mạnh mềm từ văn hóa đã giúp hình ảnh Việt Nam không chỉ hiện lên qua các chỉ số tăng trưởng, mà qua cả những nụ cười, những giá trị sống, những vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn người Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, quốc gia nào biết phát huy văn hóa như một thương hiệu quốc gia thì sẽ có lợi thế bền vững. Vì giá trị văn hóa không thể bị sao chép, không dễ dàng bị thay thế.

Hơn lúc nào hết, văn hóa dân tộc cần được đặt vào vị trí chiến lược, không chỉ trong phát triển con người, mà trong cả ngoại giao, du lịch, giáo dục, thương hiệu sản phẩm. Để mỗi sản phẩm "Made in Vietnam" không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn ẩn chứa một phần "hồn Việt" bên trong. Để mỗi cuộc gặp gỡ quốc tế không chỉ là chuyện chính trị, mà là cơ hội lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.

Chỉ những dân tộc có chiều sâu văn hóa và biết phát huy sức mạnh mềm mới có thể đứng vững và bứt phá. Và trên con đường ấy, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên bằng chính hành trang văn hóa mà cha ông đã để lại, và thế hệ hôm nay đang tiếp nối, làm mới, lan tỏa bằng ngôn ngữ của thời đại.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-manh-mem-tu-van-hoa-dan-toc-196250428204428165.htm
Zalo