Sức lan tỏa từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp hội nông dân trong tỉnh, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Mô hình nuôi ong dú lấy mật của hội viên nông dân Nguyễn Văn Khương ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Ảnh: NGỌC HÂN

Mô hình nuôi ong dú lấy mật của hội viên nông dân Nguyễn Văn Khương ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Ảnh: NGỌC HÂN

Năng động phát triển kinh tế

Theo Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2021-2023, bình quân hằng năm có hơn 88.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp. Toàn tỉnh hiện có hơn 56.000 hộ nông dân đạt danh hiệu này. Ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, chủ động nắm bắt cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua thực hiện phong trào, các cơ sở hội đã thành lập các CLB, tổ, nhóm liên kết nông dân SXKDG theo ngành, lĩnh vực.

“Chính sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt của các cấp hội nông dân là nguồn động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn”, ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.

Điển hình như mô hình nuôi ong dú lấy mật kết hợp với sản xuất lâm nghiệp của anh Nguyễn Văn Khương ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Năm 2019 anh Khương bắt đầu thực hiện mô hình này. Hiện tại, ngoài nuôi ong dú tại nhà, anh Khương còn có 3 trại ong nuôi riêng ở khu đất trồng 15ha keo lá tràm của gia đình (đây cũng là nguồn cung cấp phấn, mật hoa và mật lá keo cho đàn ong dú) với trên 500 tổ ong dú sinh sống, phát triển tốt. Bình quân mỗi năm anh thu khoảng 200 lít mật, giá bán ra thị trường 1,5 triệu đồng/lít; đồng thời bán hộp ong giống với giá 1,5-2 triệu đồng/tổ. Ngoài bán mật ong, hộp ong giống, anh Khương còn có thêm nguồn thu nhập từ thu hoạch keo lá tràm... Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 700 triệu đồng/năm.

“Hiện sản phẩm mật ong dú của gia đình tôi sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu là ong dú hữu cơ An Nhiên và là sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương”, anh Khương phấn khởi nói.

Ông Huỳnh Quang Bình ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) cũng là tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia đình ông có đất chuyên trồng lúa, bắp, sắn, mè, nhưng các loại cây trồng này giá trị kinh tế thấp. Với bản tính cần cù, chịu khó, cùng với sự hỗ trợ từ Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, ông đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật mới và mạnh dạn áp dụng, chuyển đổi sang trồng mía, nuôi bò, heo, gà, vịt...

Ngoài ra, để thuận lợi sản xuất, ông Bình còn đầu tư mua xe tải và máy cày phục vụ làm đất, thu hoạch và làm dịch vụ vận chuyển mía của bà con về nhà máy. “Từ trồng mía, chăn nuôi và làm dịch vụ, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 800 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương...”, ông Bình nói.

Tạo động lực để nông dân làm giàu

Để phong trào nông dân SXKDG ngày càng phát huy hiệu quả, ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, có bước phát triển mới về chất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, hội đẩy mạnh phát triển, hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn với thương hiệu sản phẩm; phát triển theo hướng kinh tế tập thể, hình thành các chuỗi sản phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, Tỉnh hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, củng cố, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh gắn với phong trào nông dân thi đua SXKDG. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong phong trào nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, uy tín lên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân cho biết: Để lan tỏa phong trào, ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm, Hội Nông dân huyện còn chú trọng đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường; tiếp tục hỗ trợ các hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo, bền vững, phấn đấu trở thành hộ nông dân SXKDG.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324879/suc-lan-toa-tu-phong-trao-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi.html
Zalo