Sức lan tỏa của những công trình giao thông trọng điểm nơi đất Mỏ

Hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ giúp Quảng Ninh trở thành một địa phương phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thiết thực xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc.

Giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Có thể nhận thấy, thời gian qua, nhất là 5 năm trở lại đây, khi đưa vào khai thác chuỗi giao thông trọng điểm như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, sân bay ở huyện Vân Đồn, cảng tàu quốc tế ở TP Hạ Long, cảng cao cấp Ao Tiên... Quảng Ninh đã trở thành địa phương có hạ tầng giao thông phát triển thuộc diện nhanh nhất cả nước.

Hệ thống cao tốc dài trên 176km chạy xuyên tỉnh và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là những động lực mới để Quảng Ninh "cất cánh". Ảnh Đ.Ph.

Hệ thống cao tốc dài trên 176km chạy xuyên tỉnh và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là những động lực mới để Quảng Ninh "cất cánh". Ảnh Đ.Ph.

Với hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Quảng Ninh đã có 9 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, nằm trong nhóm 7 tỉnh dẫn đầu cả nước); 7 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS và 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index…

Quảng Ninh có quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là trung tâm thu hút vốn FDI với tổng vốn thu hút năm 2023 đạt trên 3,1 tỷ USD.

Không những thế, Quảng Ninh còn là trung tâm du lịch quốc tế, có tỷ lệ đô thị hóa cao thứ 5 cả nước. GRDP bình quân đầu người ở Quảng Ninh dự kiến hết năm 2024 sẽ đạt 10.000 USD.

Đóng góp vào những thành công đó của Quảng Ninh, có sự phát triển đột phá của hệ thống hạ tầng giao thông.

Quảng Ninh luôn xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, từ đó đã xây dựng lộ trình, từng bước tháo gỡ nút thắt về thể chế, nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Nổi bật là từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành cả "3 cánh cửa" để kết nối với thế giới với hệ thống sân bay, cảng biển và cao tốc dài trên 176km chạy dọc tỉnh. Sự phát triển đồng bộ này giúp việc đi lại, kết nối giữa Quảng Ninh với các tỉnh, các khu vực và quốc tế nhanh, an toàn, tiện lợi.

Cụ thể, chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đến Hạ Long. Thay vì 3,5 giờ từ Thủ đô Hà Nội đến Hạ Long, 6 giờ để đến TP Móng Cái trước đây, nay thời gian di chuyển chỉ bằng 1/2 khi Quảng Ninh sở hữu tuyến cao tốc dài 176km kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Đây là tuyến giao thông tạo sự liên kết chặt chẽ với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ của Quảng Ninh thông sang Lạng Sơn đang được đầu tư hoàn thiện.

Tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ của Quảng Ninh thông sang Lạng Sơn đang được đầu tư hoàn thiện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, địa phương đang tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng tạo kết nối vùng, liên vùng. Khi những công trình này được đưa vào hoạt động thì sẽ tiếp thêm động lực mới để Quảng Ninh phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Giao thông góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh

Nằm ở vị trí "tựa sơn, hướng bể", Quảng Ninh án ngữ ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, phên giậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Giao thông được phát triển đồng bộ, đồng nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở Quảng Ninh ngày càng thuận lợi.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Quảng Ninh đã và đang triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tuyến quốc lộ 18C từ xã Hải Sơn nối với quốc lộ 18 ở TP Móng Cái mới đưa vào sử dụng đã tạo ra thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh vùng biên giới đất liền ở Quảng Ninh.

Tuyến quốc lộ 18C từ xã Hải Sơn nối với quốc lộ 18 ở TP Móng Cái mới đưa vào sử dụng đã tạo ra thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh vùng biên giới đất liền ở Quảng Ninh.

Theo đó, tất cả các chương trình, dự án giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đều được gắn kết chặt chẽ với thế bố trí quốc phòng - an ninh theo phương châm "Mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường về quốc phòng - an ninh"…

Cụ thể, ở khu vực biên giới đất liền, thời gian gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Tiêu biểu là dự án tuyến đường liên xã ở huyện Bình Liêu trị giá trên 420 tỷ đồng kết nối từ khu vực nội địa ra tuyến vành đai biên giới đang được triển khai.

Theo một lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Liêu thì việc triển khai dự án này không chỉ tạo ra thế phát triển kinh tế - xã hội mới cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trên địa bàn mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn…

Lực lượng Hải quân đứng chân trên địa bàn Quảng Ninh luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Lực lượng Hải quân đứng chân trên địa bàn Quảng Ninh luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Hay từ tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành giai đoạn 2 của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C từ xã Hải Sơn nối với quốc lộ 18 ở TP Móng Cái với chiều dài 14,13km, có tổng đầu tư 297 tỷ đồng đã tạo ra lợi thế mới để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng biên giới trên bộ của Quảng Ninh.

Trung tá Nguyễn Quang Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn, TP Móng Cái cho biết: Từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng không chỉ giúp cho đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới phát triển nhanh hơn, ổn định hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Ở khu vực biên giới biển của Quảng Ninh, nhiều dự giao thông trọng điểm được triển khai cũng đã và đang góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh ngày càng hiệu quả. Trong đó phải kể đến cảng cao cấp Ao Tiên ở Khu Kinh tế Vân Đồn, Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, Hòn Gai ở TP Hạ Long, Trung tâm dịch vụ nghề cá Bắc vịnh Bắc bộ ở huyện đảo Cô Tô...

Với việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh hôm nay đã và đang khẳng định được tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng phên giậu phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/suc-lan-toa-cua-nhung-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-noi-dat-mo-192240904165349028.htm
Zalo