Sức hút thể thao truyền thống ở Bắc Kạn
Dù cuộc sống hiện đại hối hả, thể thao truyền thống vẫn giữ vị trí đặc biệt. Tại các lễ hội, ngày hội thể thao, chúng luôn cuốn hút, gắn kết người chơi và khán giả.
Thể thao truyền thống - Một phần bản sắc văn hóa
Thể thao truyền thống ở Bắc Kạn phản ánh rõ nét đời sống và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Các môn như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... không chỉ đơn thuần là trò chơi, mà còn là cách để người dân giao lưu, gắn kết và rèn luyện thể chất.
Trong không khí rộn ràng của Hội xuân ATK Chợ Đồn, nơi diễn ra môn đẩy gậy, tập trung thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Đẩy gậy không đòi hỏi trang thiết bị cầu kỳ, chỉ cần một chiếc gậy tre dài, vừa đủ, làm dụng cụ chính, để hai đối thủ so tài. Mỗi vận động viên sẽ nắm chặt hai đầu gậy và sử dụng sức mạnh, sự khéo léo để đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn thi đấu. Môn này không chỉ yêu cầu sức khỏe mà còn đòi hỏi chiến thuật, sự nhanh nhẹn, và tinh thần bền bỉ của các đấu thủ.
Sự kịch tính trong từng pha đối đầu, khi một bên cố gắng dồn lực tấn công và bên kia tìm cách phòng thủ hoặc phản công, tạo nên không khí gay cấn và hào hứng. Tiếng reo hò, cổ vũ sôi động của khán giả càng khiến môn đẩy gậy trở nên lôi cuốn và náo nhiệt.
Anh Hoàng Văn Thái, ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn chia sẻ: Với tính chất đối kháng, mạnh mẽ, nhưng lại đơn giản về hình thức và luật chơi, đẩy gậy đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia và cổ vũ mỗi dịp hội xuân ATK Chợ Đồn.
Cùng với đẩy gậy, kéo co luôn là một trong những môn thể thao truyền thống, thường xuyên xuất hiện tại các lễ hội, các hoạt động thể thao của các đơn vị, địa phương. Kéo co là môn thể thao thể hiện cho sự đoàn kết của tập thể, chỉ với một sợi dây thừng, các đội sẽ thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, sự phối hợp khéo léo giữa các thành viên.
Điểm đặc biệt của các môn thể thao truyền thống là tinh thần cộng đồng mà chúng mang lại. Trong các cuộc thi đấu kéo co hay đẩy gậy, không khí luôn sôi động nhờ tiếng cười, tiếng hò reo cổ vũ. Tinh thần thượng võ, fair play, được thể hiện rõ nét khi người chơi luôn tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt thắng thua.
Bảo tồn và phát triển thể thao truyền thống
Bắc Kạn là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi các môn thể thao truyền thống gắn bó lâu đời với đời sống người dân. Những năm gần đây, các môn này đã vượt ra khỏi phạm vi lễ hội, để trở thành phong trào thể thao phổ biến, từ các trường học, cơ quan, đơn vị cho đến các giải đấu cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Một trong những dấu mốc quan trọng của thể thao truyền thống Bắc Kạn trong năm 2024 là việc tỉnh đăng cai Giải vô địch trẻ và thiếu niên Đẩy gậy quốc gia lần thứ III và giải Giải vô địch trẻ và thiếu niên Kéo co quốc gia lần thứ II. Các giải đấu đã thu hút sự tham gia của hàng trăm vận động viên đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, biến Bắc Kạn trở thành tâm điểm của các môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Còn ở Giải vô địch trẻ và thiếu niên Kéo co quốc gia lần thứ II, do Bắc Kạn đăng cai tổ chức, diễn ra vào hồi tháng 8/2024 vừa qua, Bắc Kạn đã xuất sắc đứng thứ 6/14 đoàn với 2 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 08 Huy chương Đồng.
Em cảm thấy rất tự hào khi được thi đấu trên chính quê hương mình và góp phần khẳng định Bắc Kạn là một trong những tỉnh có truyền thống và thế mạnh ở môn đẩy gậy. Đây cũng là động lực để em tiếp tục rèn luyện và chinh phục những giải đấu lớn hơn”. - Em Hà Trọng Nhân, Huy chương Vàng nội dung đẩy gậy nam ở hạng cân 71-75 kg, Giải vô địch trẻ và thiếu niên Đẩy gậy quốc gia lần thứ III chia sẻ
Ông Nguyễn Chu Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng việc phát triển các môn thể thao truyền thống. Tỉnh đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao và mở rộng quy mô tổ chức các giải đấu.
Các môn thể thao truyền thống không chỉ là những trò chơi giải trí đơn thuần mà còn là di sản văn hóa quý báu, phản ánh lịch sử, phong tục tập quán, và tinh thần cộng đồng của các dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của chúng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, cả về văn hóa, xã hội và kinh tế; động lực quan trọng để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát triển trong tương lai./.