Xách vợt đi tập pickleball
Pickleball là môn thể thao thi đấu trong nhà hoặc ngoài trời, đánh đơn hoặc đôi trên sân hình chữ nhật (13,4 m x 6,1 m). Người chơi dùng một chiếc vợt mặt nhẵn để đánh một quả bóng nhựa rỗng, đục lỗ, qua lưới cao 0,86 m cho đến khi một bên không thể trả bóng hoặc phạm luật. Môn thể thao được phát minh vào năm 1965 tại Mỹ, trở thành cơn sốt thể thao ở Mỹ trước khi lan tỏa sang hơn 50 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Về cơ bản, pickleball là môn thể thao lai giữa các môn tennis, bóng bàn và cầu lông. Pickleball được đánh giá là dễ chơi, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Muôn nẻo... nhập môn
Có rất nhiều cách để đến với pickleball, không ai giống ai. Có người chơi vì rèn luyện sức khỏe, có người chơi vì tò mò, có người chơi vì thấy người khác chơi nên “a dua” cho vui. Nhưng đặc điểm chung của họ là: chơi rồi thì... không dứt ra được, trở thành những người “ăn cùng pickelball, ngủ cùng pickelball”!
Nhiều người cho rằng pickleball hấp dẫn cho mọi đối tượng, lứa tuổi bởi môn thể thao này dễ bắt đầu kể cả với người không có nền tảng thể thao, không cần nhiều thời gian để học. Có thể vì vậy mà việc “nhập môn” khá đơn giản.
Theo anh Lê Bá Thanh Xuân (40 tuổi), vận động viên (VĐV) kiêm huấn luyện viên pickleball chuyên nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, để đến với pickleball, người chơi chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng với “combo”: vợt, giày, bóng, quần áo... và khát khao thể nghiệm một môn thể thao mới. Anh Xuân từng giành nhiều giải thưởng lớn ở các giải pickleball uy tín trong và ngoài nước, gần nhất là Huy chương Vàng đồng đội 35+ Open Giải Vô địch châu Á mở rộng. Với kinh nghiệm từng huấn luyện cho hàng trăm người chơi, anh Xuân cho rằng có 2 nhóm số đông tìm đến với pickleball. Một là nhóm các bạn chưa chơi môn thể thao nào, đến với pickleball vì tính chất dễ bắt đầu và không yêu cầu trình độ kỹ thuật để có thể tham gia. Nhóm thứ hai dành cho những người đã chơi thể thao nhiều năm, nhưng dần độ tuổi không phù hợp để theo đuổi bộ môn đó ở trình độ cao hơn nên chuyển sang pickleball như một cách giữ sức khỏe và dần nâng cao trình độ để có thể tham gia các giải đấu phù hợp .
Còn với Trương Vinh Hiển - người được mệnh danh là “hoàng tử pickleball” đến với bộ môn này vì... chơi tennis. Anh từng 15 lần đoạt chức vô địch trong nước nội dung Open siêu cúp, trong đó có 3 chức vô địch đơn và đủ bộ nhất, nhì, ba giải vô địch Châu Á. Hiển cho biết mình là VĐV tennis từng là Á quân đôi nam nữ quốc gia. Một lần, CLB nơi Hiển tập luyện có mở sân pickleball, anh vào chơi thử thấy rất thú vị nên dần chuyển sang chơi song song cả 2 môn. Câu chuyện của Hiển không phải là ngoại lệ, bởi hiện nay hầu hết các tay vợt pickleball “trình cao” đều từ tennis chuyển sang.
Rất nhiều người ở các ngành nghề khác nhau đã bị pickleball cuốn theo tự bao giờ. Trong số đó có không ít nhà báo, nhất là cánh phóng viên thể thao.
“Nhập môn” và “khai sáng”
Đầu tháng 7/2024, lần đầu ra sân pickleball, tôi thoáng chút bỡ ngỡ và ngại ngùng nhưng nhập cuộc khá nhanh. Từng ở đội tuyển năng khiếu bóng bàn hồi học phổ thông và có thời gian ngắn chơi tennis, tôi bắt nhịp với picklball khá gọn gàng .
Trên mạng xã hội có tất tần tật về pickleball, chỉ cần lên đó học. Đầu tiên là học luật chơi, sau là học chiến thuật, tiếp nữa là học những động tác đúng chuẩn... Dần dà trên trang cá nhân facebook và tiktok hiện lên clip của Ben Johns (25 tuổi), VĐV pickleball người Mỹ được cho là thành công nhất thế giới hiện nay với hàng trăm danh hiệu lớn nhỏ hay Quang Dương (thần đồng pickleball gốc Việt 18 tuổi nổi tiếng thế giới) dạy cách đánh và chiến thuật...
Những thuật ngữ chuyên ngành nghe hoài rồi cũng thành quen, như: khu vực bếp (kitchen area) hay còn gọi là vùng không được volley (non-volley zone); dink shot (là một cú đánh nhẹ, đường bóng ngắn, sử dụng để buộc đối thủ phải đánh trả từ vị trí gần lưới); cú đánh forehand (kỹ thuật đánh bóng tay phải của người chơi, diễn ra trên cùng một bên cơ thể với tay cầm vợt); cú đánh backhand (được thực hiện ở phía trái tay của người chơi)...
Với môn thể thao đối kháng như pickleball thì không ai có thể chơi một mình. Tôi cũng vậy và việc cần làm là phải cất công đi “khai sáng” cho người khác. Công cuộc “khai sáng” của tôi đã thành công khi thành lập được một nhóm pickleball gồm 4 cặp vợ chồng và duy trì việc chơi môn thể thao này thường xuyên.
Vui nhưng đừng... quá
Tỉ lệ thuận với sự phát triển như vũ bão của pickleball tại nhiều tỉnh, thành phố cả nước là những tranh cãi trên mạng xã hội về tính chất, mức độ phù hợp và cả trang phục của bộ môn này. Kỳ lạ thay dù “mang tiếng” như vậy nhưng pickleball vẫn... hot!
Khi sáng tạo ra môn pickleball vào năm 1965, Hạ nghị sĩ Mỹ Joel Pritchard cùng 2 hai người bạn là Bill Bell và Barney McCallum, hẳn sẽ không ngờ rằng mấy chục năm sau đó, ở Việt Nam xa xôi lại có nhiều người chơi và tranh cãi về bộ môn này đến thế. Bởi ban đầu, ý tưởng của họ chỉ đơn giản là tạo ra một trò chơi vui nhộn để giải trí cho gia đình và bạn bè ở nơi họ sống.
Không rõ từ đâu, nhiều người có định kiến rằng pickleball là môn dành cho những người “không đủ sức khỏe để chơi tennis, không đủ dẻo dai để chơi cầu lông, không đủ khéo léo để chơi bóng bàn”. Vì thế cái từ “dưỡng sinh” được dùng rất nhiều để “dìm hàng” pickleball, nhất là khi mô tả động tác dink shot lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở bộ môn này.
Phản biện mạnh mẽ, anh Lê Bá Thanh Xuân cho rằng điều đó đa phần đều được nói từ những người chưa chơi thử pickleball một cách thực sự. “Đúng là môn thể thao này có sự hiện diện của 3 môn nói trên và khá đơn giản để bắt đầu, ai cũng có thể ra sân chơi vui vẻ với nhau. Nhưng để bước lên một trình độ nhất định thì không có khái niệm dưỡng sinh ở đây. Bạn sẽ cần thể lực, sức mạnh, sự khéo léo, dẻo dai, óc phán đoán, nhận định tình huống, không thua kém gì các môn thể thao khác. Ngược lại, đây là môn thể thao đốt khá nhiều calo của bạn”, anh Xuân khẳng định.
Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Đỗ Như Hoài, Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị) cho rằng, nhiều người lo ngại pickleball sẽ nổi lên như một trào lưu rồi chìm nghỉm nhưng ông không nghĩ vậy. “Môn này có sự vận động ở mức độ, khả năng dẫn đến chấn thương ít. Ở tỉnh Quảng Trị, pickleball phát triển rất mạnh. Chúng tôi đã cử cán bộ đi tập huấn công tác trọng tài, tổ chức giải... để đón đầu tương lai vì chắc chắn thời gian tới sẽ rất cần”, ông Hoài cho biết.
Có một thực tế là pickleball đã lôi cuốn người chơi ở rất nhiều ngành nghề, lứa tuổi, giới tính. Sân pickleball có lúc tưởng như là “thảm đỏ” hay “sàn catwalk” khi xuất hiện nhiều mỹ nhân, siêu mẫu, hotgirl trong làng giải trí Việt. Không chỉ những người nổi tiếng mới lên đồ đẹp, mà rất nhiều người chơi là nữ khác cũng có những set đồ bó sát, váy ngắn, đ ôi khi khá thoáng và “tiết kiệm” vải. Cũng có không ít người ra sân chủ yếu để diện những bộ đồ hở hang. Vì thế, một vài người chơi pickleball nữ bị nhiều người “ném đá”.
Tuy nhiên, bỏ qua điều đó, sự xuất hiện của các tay vợt nữ trong những set đồ thể thao đã mang lại vẻ đẹp rất mạnh khỏe, tươi tắn cho cộng đồng người chơi pickleball. “Phụ nữ hay bất cứ ai đều muốn mình đẹp. Mọi ngành nghề, mọi hoạt động của con người đều hướng đến cái đẹp thì vì sao pickleball lại không?”, chị Nguyễn Thị Liên (31 tuổi) - một người chơi pickleball ở TP. Đông Hà - thắc mắc nhưng ngầm khẳng định “phụ nữ ra sân pickleball mà đẹp là không có gì xấu”. Cá nhân người viết cũng đồng ý với điều này!