Sức ép đằng sau đà tăng của lãi suất huy động
Thống kê cho thấy trong 6 tuần qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất vẫn áp đảo nhà băng giảm lãi suất, với mức tăng lên tới 0,9%/năm. Những yếu tố gây sức ép lên mặt bằng lãi suất tiết kiệm sắp tới đến từ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, vượt tốc độ huy động cùng thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng.
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, trong 6 tuần qua (từ ngày 6/1- 14/2), bảng lãi suất của 36 ngân hàng ghi nhận ít sự biến động, với chỉ 7/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, 3 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Lãi suất giảm nhỏ giọt hơn
Cụ thể, Eximbank tăng mạnh 0,9% kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online lên mức 5,2%/năm và 5,4%/năm. Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh từ 0,4-1%/năm lên mức 5,6-6,6%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là mức cao nhất hệ thống với số tiền nhỏ hơn 200 tỷ đồng.
BVBank tăng 0,32% kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại ngân hàng này hiện được niêm yết mức lãi suất cao trong hệ thống là 6,25-6,45%/năm, cũng là mức cao nhất ở ngân hàng này.
Các ngân hàng tăng lãi suất còn lại với chỉ từ 0,1-0,3%/năm, gửi tại quầy và online bao gồm: BaoVietBank, Vietbank, Kienlongbank, VietABank, BIDV.

Nguồn: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Lãi suất cao nhất 6,6%/năm gửi online kỳ hạn 24-36 tháng
Theo VNBA, với số tiền gửi nhỏ hơn 200 tỷ đồng, hiện mức lãi suất cao nhất hệ thống là 6,6%/năm tại Eximbank, kỳ hạn 24-36 tháng online. Ở kỳ hạn 6 tháng, hiện mức lãi suất cao nhất là 5,85%/năm, tại VCBNeo (trước đây là CBBank), gửi online. Ở kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng, hiện mức lãi suất cao nhất tương ứng là 5,9%/năm, 6,25%/năm, đều tại GPBank gửi online.
Ở chiều ngược lại, có 3 ngân hàng giảm lãi suất nhỏ giọt hơn, từ 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn từ 1-36 tháng, tại quầy và online, gồm: BacABank, NCB và TPBank.
Ngoài ra, có 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất với chỉ 0,1-0,2% các kỳ hạn 1-12 tháng, cả tại quầy và online, gồm: ABBank và Techcombank.
Còn với số tiền gửi "khủng" lớn hơn 200 tỷ đồng, thống kê của VNBA cho thấy, có 4 ngân hàng duy trì mức lãi suất lớn hơn 7%/năm.
Cụ thể, ở kỳ hạn 12-13 tháng gửi tại quầy, MSB niêm yết lãi suất 7%, 8% với số tiền trên 500 tỷ. Bên cạnh đó, lãi suất tại Vikki Bank (trước đây là DongABank) là 7,5% khi gửi trên 200 tỷ; HDBank có lãi suất lần lượt là 7,7% và 8,1% với trên 500 tỷ. Đặc biệt, PVCombank có lãi suất huy động lớn nhất, lên tới 9% khi gửi trên 2.000 tỷ.
Thanh khoản có dấu hiệu "căng"
Nhìn nhận yếu tố gây sức ép lên mặt bằng lãi suất tiết kiệm sắp tới, theo đánh giá của VNBA, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025 sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó, sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất huy động vốn.
Chia sẻ tại sự kiện Data Talk tháng 2 với chủ đề: “Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô” được tổ chức chiều ngày 18/2, ông Trần Ngọc Báu - chuyên gia kinh tế tài chính, Tổng Giám đốc WiGroup cũng cho rằng, lãi suất huy động ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng, không phải vì chính sách tiền tệ của Việt Nam thắt chặt hay nới lỏng mà vì nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Ông Trần Ngọc Báu - chuyên gia kinh tế tài chính, Tổng Giám đốc WiGroup.
Xuất hiện áp lực thanh khoản
"Về thanh khoản hệ thống ngân hàng, từ khoảng cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, áp lực thanh khoản của ngân hàng đã có. Trong vòng 6 tháng vừa qua, lãi suất từ thị trường 1, thị trường 2 tăng trở lại, lợi suất trái phiếu cũng tăng trở lại, liên ngân hàng cũng tăng trở lại. Thậm chí, giai đoạn Tết vừa qua, trong trạng thái tỷ giá căng thẳng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bơm ra khoảng 170.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản của thống ngân hàng kỳ hạn ngắn, để vượt qua giai đoạn Tết âm lịch. Điều này cho thấy thanh khoản của thống ngân hàng khá khan hiếm".
Vì vậy, theo đánh giá của vị chuyên gia này, áp lực về điều hành khung lãi suất lên nhà điều hành tại thời điểm hiện tại vẫn tương đối là cao và cấu trúc thị trường vẫn ở trạng thái không cân bằng.
Thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy rõ thực trạng này khi gần cuối năm 2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06%, tương ứng tăng 1,2 triệu tỷ đồng, lên gần 14,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ tăng tín dụng bứt tốc hơn lên 13,82%, tương ứng tăng 1,9 triệu tỷ đồng, lên 15,4 triệu tỷ đồng.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn đáng kể tăng trưởng tín dụng, kéo theo mức chênh lệch tín dụng và huy động lên hơn 700 nghìn đồng, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp lượng tiền ngân hàng cho vay vượt huy động.
"Ngân hàng phải huy động nguồn vốn từ khu vực khác để cho vay. Năm 2024, mặc dù tăng trưởng tín dụng sát mục tiêu nhưng cách khá xa tăng trưởng huy động. Giá trị tuyệt đối vênh nhau, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động thì áp lực về nguồn vốn của hệ thống ngân hàng là hiện hữu" - ông Báu đánh giá./.