Sửa luật theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người làm công tác kế toán

Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Kế toán đó chính là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo vệ quyền lợi của người làm công tác kế toán.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kế toán số 88/2015/QH15 (Luật Kế toán), Bộ Tài chính cho biết, Luật Kế toán có hiệu lực từ năm 2017 đã tiếp cận nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Luật cũng làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế; tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc và các địa phương, tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tập trung vào 2 chính sách chính, gồm: (1) tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; (2) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thực tiễn sau 6 năm triển khai Luật, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam, Luật Kế toán đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Tại dự thảo, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Kế toán đó chính là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Nhằm hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực kế toán của các bộ, ngành khác. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp phân quyền, làm rõ chức năng quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh.

Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực thi công thực hiện các nhiệm vụ; ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán…

Việc xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, cơ quan ngang bộ và các địa phương theo hướng dẫn phân cấp các công việc phù hợp với đặc điểm quản lý, tổ chức hoạt động giúp cho các quy định pháp luật về kế toán được triển khai phù hợp và hiệu quả hơn. Các nội dung hướng dẫn, biện pháp tổ chức điều hành đảm bảo kịp thời, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, giúp các quy định pháp luật dễ đi vào cuộc sống; các phản ánh khó khăn, vướng mắc được tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Việc phân cấp, phân quyền công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát với việc phân cấp phù hợp với nguồn lực của các cơ quan quản lý sẽ đảm bảo sâu sát, hiệu quả và đúng mục tiêu.

Theo đó, Bộ Tài chính tập trung xây dựng cơ chế, chính sách chung, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng cần thiết, giải đáp các thắc mắc của bộ, ngành, địa phương khi có ý kiến khác nhau.

Đặc biệt, đối với việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo vệ quyền lợi của người làm công tác kế toán, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng người đứng đầu và người đại diện theo pháp luật của các đơn vị chịu trách nhiệm thực thi chính sách. Theo Bộ Tài chính, việc quy định trách nhiệm người đứng đầu giúp nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện để xử lý vi phạm khi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Mặt khác, việc quy định người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình, thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành chỉ đạo của cấp trên. Quy định này sẽ giúp người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác và mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện các chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp

Đức Mạnh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-theo-huong-bao-ve-quyen-loi-cho-nguoi-lam-cong-tac-ke-toan.html
Zalo