Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng thẩm tra đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VCB
Chiều 17.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính; lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam…
Theo Tờ trình của Chính phủ, do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trình bày, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021- 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án tăng vốn điều lệ nêu trên cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Do vậy, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là phù hợp với quy định hiện hành.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, việc bổ sung vốn Nhà nước tại VCB từ các nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 sẽ giúp tăng vốn điều lệ của ngân hàng, tạo điều kiện cho VCB thực hiện vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng theo định hướng của Đảng, Nhà nước; đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định pháp luật hiện hành; tạo cơ sở để VCB thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước...
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để ngân hàng này mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt là trong thực hiện cho vay với các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt không ghi nhận vào thu ngân sách nhà nước. Do vậy, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng nguồn vốn VCB đề xuất tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là 27.666 tỷ đồng được thực hiện thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong đó nguồn vốn nhà nước đầu tư bổ sung là 20.695 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VCB là 74,8% không tác động đến ngân sách nhà nước.
Với những lý do nêu trên, căn cứ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VCB thông qua nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Số vốn nhà nước được Chính phủ đề nghị đầu tư bổ sung vào VCB là 20.695 tỷ đồng, để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa đã gây thiệt hại về người, tài sản. Nếu không có nguồn lực hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân sẽ khó vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của bão.
Do đó, ngày 18.9, Chính phủ sẽ họp cùng Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để triển khai kế hoạch giảm 50% lãi suất cho vay ngắn hạn. “Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước sẽ tạo điều kiện cho VCB thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân chịu thiệt hại vì bão lũ vừa qua”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Bởi, các chỉ số của VCB về hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận… đều ở mức cao so với mức bình quân thị trường.
Thời gian qua, VCB luôn thể hiện vai trò tiên phong trong thực hiện các chính sách của nhà nước, đặc biệt là trong thực hiện chủ trương hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid - 19. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng này tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Một số ý kiến cũng lưu ý, theo quy định tại khoản 1, Điều 8 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11.1.2022 đến 31.12.2023. Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội cũng chỉ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31.12.2024.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng có thể thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này.
Do đó, Tờ trình của Chính phủ cần cân nhắc đưa cơ sở của đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) VCB Nguyễn Thanh Tùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành với sự cần thiết nêu trong Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục, Tờ trình của Chính phủ cần tiếp tục bổ sung cơ sở về chính trị, về pháp lý, nhu cầu tăng năng lực hoạt động của VCB, cũng như tác dụng của việc này đối với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần bổ sung một số tài liệu trong hồ sơ trình đề xuất này của Chính phủ tuân thủ đúng quy định của Điều 49, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát một số số liệu đưa vào Tờ trình của Chính phủ để bảo đảm tính chính xác cũng như có cách thể hiện phù hợp trong dự thảo Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Tám…