Sửa Luật Quốc tịch Việt Nam: Đề xuất cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài kiều bào

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam đề xuất nhiều cơ chế mới về nhập, trở lại quốc tịch nhằm thu hút nhân tài, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Sáng 17/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra. Những nội dung được đề xuất lần này không chỉ mang tính kỹ thuật lập pháp mà còn mở đường cho những cơ chế đột phá nhằm thu hút nguồn lực trí tuệ Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho Tổ quốc.

Sửa đổi, bổ sung 19 điều và bãi bỏ 1 điều

Theo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 19 trong tổng số 44 điều và bãi bỏ 1 điều trong Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành. Các nội dung sửa đổi tập trung vào nhóm vấn đề như: điều kiện nhập quốc tịch; điều kiện trở lại quốc tịch; trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục về quốc tịch; tiêu chuẩn quốc tịch đối với một số chức danh, vị trí trong bộ máy nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh: VPQH

Tờ trình nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phát huy quyền công dân và tạo điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu trở lại quốc tịch Việt Nam.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời chỉnh lý, bổ sung những nội dung còn bất cập, chưa cụ thể để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, khả thi trong áp dụng. Trong đó, nhiều nội dung mới đáng chú ý như: làm rõ các trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài khi trở lại quốc tịch Việt Nam; phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan trong quá trình xử lý hồ sơ quốc tịch; bổ sung các nguyên tắc nhằm xử lý mâu thuẫn giữa Luật Quốc tịch Việt Nam với các luật khác có liên quan.

Tờ trình cũng khẳng định, việc xây dựng Luật nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về quốc tịch, phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế trong tình hình mới.

Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng

Tại Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: VPQH

Ủy ban nhận định dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, Kết luận số 12-KL/TW và đặc biệt là yêu cầu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch nhằm thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài.

Về sửa đổi khoản 5 Điều 5, Ủy ban cơ bản tán thành quy định người giữ chức vụ, chức danh trong bộ máy nhà nước phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, đề nghị cân nhắc kỹ khi áp dụng ngoại lệ trong một số trường hợp đặc biệt để thu hút nhân tài, tránh lạm dụng chính sách.

Ủy ban cũng lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 5 về việc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện. Phần lớn ý kiến tán thành, cho rằng đây là biểu hiện của quyền tự quyết quốc gia. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng với quyết định của Chủ tịch nước; các quyết định hành chính khác vẫn cần bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo nếu có vi phạm.

Về điều kiện nhập quốc tịch, Ủy ban đồng tình với quy định mới đối với người có cha mẹ, vợ chồng, con hoặc ông bà là công dân Việt Nam nhưng đề nghị làm rõ khái niệm "có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam" và tính liên tục của thời gian cư trú 5 năm.

Đối với việc trở lại quốc tịch, Ủy ban tán thành việc sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đã mất quốc tịch, nhất là những người có nguyện vọng đoàn tụ gia đình, đóng góp cho đất nước. Đồng thời, đề nghị quy định rõ các điều kiện "có thể" được trở lại quốc tịch ngay trong Luật để đảm bảo tính minh bạch và khả thi.

Ủy ban đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào những nội dung lớn nêu trên nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn đời sống pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh: “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 19 điều trong tổng số 44 điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và bãi bỏ 1 điều, tập trung vào các nhóm vấn đề cốt lõi như điều kiện nhập, trở lại quốc tịch, tiêu chuẩn quốc tịch với người giữ chức vụ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-luat-quoc-tich-viet-nam-de-xuat-co-che-dac-biet-thu-hut-nhan-tai-kieu-bao-387988.html
Zalo