Không để đối tượng lợi dụng vấn đề 'song tịch' để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân

Cần bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề 'song tịch' để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam cũng như ở nước sở tại.

Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch.

Phát biểu tại Tổ 13, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ cơ bản nhất trí với các quy định trong dự án luật, nhất là sự cấp thiết; quan điểm xây dựng; phạm vi điều chỉnh… "Sau 17 năm thi hành, luật đã bộc lộ việc chưa thật sự tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài; chưa thu hút được nhiều nguồn lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, những nội dung sửa đổi lần này là rất cần thiết” - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu quan điểm.

Về quan điểm xây dựng luật, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, dự án luật đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật về quốc tịch nói riêng; tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường quản lý nhà nước về quốc tịch; tiếp tục duy trì nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các quy định giải quyết những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, "điểm nghẽn" cần phải tháo gỡ trong thực tiễn. Về phạm vi điều chỉnh, luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam và các nội dung có liên quan. “phạm vi điều chỉnh của luật như vậy đã bảo đảm tính khái quát, đầy đủ” - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đánh giá.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại tổ.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại tổ.

Về nội dung cụ thể của dự thảo luật, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của Bộ Chính trị; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chỉnh lý hồ sơ dự án luật để đảm bảo tính thống nhất, khả thi trong quá trình thực hiện. Tại khoản 4 Điều 5 dự thảo luật được quy định trên cơ sở luật hóa quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị bổ sung các đánh giá cụ thể về tính tương thích, đồng bộ của quy định này với các quy định khác có liên quan như nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019 và để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, dự thảo luật cần quy định rõ các nội dung cơ bản có liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

"Nội dung này cũng đã đề cập tại Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 09/4/2025 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài" - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết thêm, nội dung quy định tại dự thảo luật này có biểu hiện gây khó khăn cho công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nếu người Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam. Cụ thể, người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài thì thông tin nhập cảnh là thông tin của người nước ngoài, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, ở Việt Nam theo thời hạn chứng nhận tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh... Nếu họ quá hạn tạm trú, cư trú "lì" hoặc không thực hiện các trách nhiệm như khai báo tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh... việc xử lý vi phạm gặp vướng mắc, đặc biệt là trường hợp có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Ngoài ra, trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thuế ...có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện thủ tục.

"Do vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài (như đánh giá tại mục 2.2 Phần IV Tờ trình số 246/TTr-CP ngày 22/4/2025 của Chính phủ)" - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị. Đồng thời cho rằng, bổ sung quy định trên nhằm bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề "song tịch" để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam, cũng như ở nước sở tại; không để các nước lợi dụng chủ trương cởi mở, thông thoáng của Việt Nam nhằm đẩy đuổi số bị trục xuất, số không xác định được quốc tịch, số đối tượng có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam hoặc lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam...

Về nội dung bổ sung khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc quy định “trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" vì Chính phủ theo chức năng, thẩm quyền không quy định về việc ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn các vị trí thuộc quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước. Vì vậy, đề nghị rút gọn phạm vi các vị trí Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, nên chỉ rõ quy định cụ thể của "Luật có liên quan" để thuận tiện và thống nhất trong áp dụng.

Về nội dung bổ sung khoản 6 Điều 5 của dự thảo luật, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị chỉ rõ quyết định liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện để phù hợp với quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện hành chính (ví dụ: các quyết định về nhập, thôi, tước, cho trở lại quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước)...

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/khong-de-doi-tuong-loi-dung-van-de-song-tich-de-tron-tranh-nghia-vu-trach-nhiem-cong-dan-i768676/
Zalo