Sửa luật để xử lý văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện, tăng quyền cho cấp xã, cấp tỉnh

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có mục đích xử lý văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện.

Sáng 26-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Thống nhất với sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói sửa luật như vậy là để “bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế); yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tạo thuận lợi hơn nữa trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL”.

Nội dung cơ bản, theo tờ trình do Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trình bày, có một số điểm chính.

Đó là bỏ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện thay thế bằng thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp xã. Đồng thời, sửa đổi quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;…

Ngoài ra, về việc bổ sung nội dung phân cấp, sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: QH

Đối với hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, dự luật đề xuất hai trường hợp. Một là tiếp tục có hiệu lực do còn phù hợp với văn bản QPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung và văn bản QPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung tiếp tục giao quy định chi tiết.

Hai là hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp không còn phù hợp với văn bản QPPL thay thế hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế không giao quy định chi tiết.

Dự luật cũng đề xuất bổ sung quy định liên quan đến việc xử lý đối với các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL khi sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Theo đó, cấp tỉnh ban hành văn bản hành chính để quyết định áp dụng văn bản QPPL của đơn vị hành chính sáp nhập; ban hành văn bản QPPL mới đồng thời bãi bỏ văn bản QPPL của chính quyền địa phương cấp tỉnh trước khi sáp nhập.

Văn bản QPPL do cấp huyện ban hành tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện cho đến khi chính quyền địa phương cấp tỉnh bãi bỏ; chính quyền địa phương cấp xã khi ban hành văn bản QPPL phải xác định rõ thời điểm kết thúc việc áp dụng văn bản QPPL của chính quyền địa phương cấp huyện trong phạm vi đơn vị hành chính của mình.

HĐND, UBND cấp xã ban hành văn bản hành chính để lựa chọn việc áp dụng văn bản QPPL của đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp hoặc bãi bỏ văn bản QPPL của đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp.

Chỉ quy định xử lý văn bản QPPL khi một đơn vị kết thúc hoạt động

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nói cơ quan thẩm tra tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản QPPL.

Cơ quan thẩm tra tán thành điều khoản chuyển tiếp trong dự luật để quy định việc xử lý văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ có tác động đến hiệu lực của văn bản QPPL do HĐND và UBND các địa phương nơi thực hiện sắp xếp đã ban hành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đọc báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đọc báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

“Tuy nhiên, hiệu lực của văn bản QPPL trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính đã được quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật ban hành văn bản QPPL hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã chịu tác động trong lần thực hiện sắp xếp này"- cơ quan thẩm tra nêu và đề nghị rà soát quy định tại khoản 2 Điều 54 để cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung; chỉ quy định chuyển tiếp để xử lý đối với văn bản QPPL của chính quyền cấp huyện kết thúc hoạt động.

Về xử lý văn bản đã ban hành của HĐND, UBND cấp huyện, để bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, phù hợp với thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh lý.

Theo đó, hoặc văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện đó trước khi sắp xếp cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để bãi bỏ hoặc quyết định kết thúc việc áp dụng;

Hoặc HĐND, UBND cấp xã khi ban hành văn bản QPPL mới thì quy định rõ thời điểm kết thúc việc áp dụng VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện trước khi sắp xếp;

Hoặc HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành văn bản bãi bỏ khi tất cả HĐND, UBND cấp xã có liên quan đã kết thúc việc áp dụng văn bản QPPL của cấp huyện trước khi sắp xếp hoặc ấn định thời hạn mà HĐND, UBND cấp xã phải ban hành văn bản mới thay thế. Đồng thời quy định hết thời hạn này toàn bộ văn bản của HĐND, UBND cấp huyện trước khi sắp xếp đương nhiên hết hiệu lực.

Chỉ sửa những điều phục vụ sắp xếp bộ máy

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Những nội dung không cần sửa ngay mà vẫn thực hiện được sẽ không đưa ra sửa đổi lần này, chỉ sửa những vấn đề buộc phải sửa đổi”.

Về đề xuất bổ sung thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định “phân cấp”, UBND cấp xã ban hành quyết định để “phân cấp”, bà Nga cho rằng quy định này là chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên cần được lược bỏ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi kết luận buổi họp cũng nhấn mạnh nguyên tắc chung là chỉ sửa những điều, khoản bắt buộc phải sửa để phục vụ công việc sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-luat-de-xu-ly-van-ban-quy-pham-phap-luat-khi-bo-cap-huyen-tang-quyen-cho-cap-xa-cap-tinh-post846703.html
Zalo