Sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo đột phá về đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Tại Phiên họp thứ 44, ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này.

“Ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã)”, ông Ninh cho biết.

Đồng thời, thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và hoàn thiện hơn nữa các quy định trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được quy định cụ thể hơn, để thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được quy định cụ thể hơn, để thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, đồng thời thay thế bằng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp xã.

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban nhận thấy dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số ít quy định khác để tạo thuận lợi hơn trong triển khai thi hành Luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đề xuất các nội dung sửa đổi phù hợp với yêu cầu mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết khi kết luận nội dung thảo luận.

Về một số vấn đề chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành. Đối với một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc về nguyên tắc chung, đó là chỉ sửa những điều, khoản bắt buộc phải sửa để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Về nội dung văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh, cấp xã và UBND cấp xã, ông Định đề nghị vấn đề phân cấp cần quy định thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và như Báo cáo thẩm tra đã nêu. Về Hội đồng thẩm định để thẩm định chính sách do Bộ Tư pháp đề xuất, đề nghị tiếp tục giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.

Hữu Hòe

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-de-tao-dot-pha-ve-doi-moi-sang-tao.html
Zalo