Tỏa sáng những giá trị cao đẹp của hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết và phát triển đất nước

Dù cho nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng lịch sử 30/4/1975 vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc. Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, vai trò then chốt của ngoại giao Việt Nam trong việc kiến tạo hòa bình luôn được thể hiện xuyên suốt và rõ nét. Đó cũng chính là nội dung tiêu biểu của Hội thảo quốc tế '50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại', do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây tại Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Những bài học vô giá

Hội thảo có sự tham dự của 500 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, cùng nhiều nhân chứng lịch sử, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và bạn bè quốc tế; đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội. Hội thảo gồm hai phiên thảo luận, gồm: phiên thứ nhất có chủ đề “Ngoại giao Việt Nam và chiến thắng lịch sử 30/4/1975”; phiên thứ hai có chủ đề “Vai trò của ngoại giao trong thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình trong tình hình hiện nay”.

Tại hội thảo, tham luận của các diễn giả, nhân chứng lịch sử Việt Nam và quốc tế đều tập trung chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cả trong quá khứ, hiện tại về nhiều khía cạnh khác nhau liên quan tới vai trò lãnh đạo của Đảng trong chiến thắng mùa Xuân lịch sử 30/4/1975; những đóng góp của ngoại giao trong kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước; sự phối hợp giữa đấu tranh quân sự, ngoại giao trong Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975; những bài học rút ra từ ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đối với công tác đối ngoại hiện nay, hay vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, phát triển và nâng cao vị thế đất nước trong kỷ nguyên mới... Các tham luận cũng đã cung cấp rất nhiều thông tin, phân tích và luận giải nhiều vấn đề, gợi mở, đề xuất nhiều định hướng rất có giá trị, trong đó, khẳng định những đóng góp to lớn của ngoại giao trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, nửa thế kỷ đã trôi qua, song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã để lại cho ngoại giao nhiều bài học quý báu. Đối với Việt Nam, đó là những bài học về vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bám sát phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn kiên định về mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, song rất linh hoạt về sách lược.

Đó còn là bài học về coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; bài học về phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đối với bạn bè quốc tế, chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là hình mẫu điển hình của một dân tộc kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu và rất nhân văn.

Không ngừng củng cố "thế và lực" của Việt Nam

Từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay, Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ Đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN. Những kết quả này có được là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, hơn hết là minh chứng khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của đối ngoại mà ngành ngoại giao làm nòng cốt, tiên phong, tích cực, chủ động để không ngừng củng cố "thế và lực", mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Điểm lại những thành tựu quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong suốt những thập kỷ qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh, kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Chia sẻ về những bài học quý giá của ngoại giao Việt Nam trong việc huy động sức mạnh quốc tế cho chiến thắng 30/4/1975, với góc nhìn của một nhà văn Mỹ, bà Lady Borton - người đã gắn bó với nhân dân Việt Nam suốt hơn 5 thập kỷ qua nhấn mạnh rằng, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ đến từ sức mạnh vũ trang, mà còn là kết quả của một chiến lược ngoại giao khôn ngoan, chủ động và mang tính nhân văn sâu sắc. Ngoại giao Việt Nam không chỉ vận động chính giới, mà còn kể câu chuyện về một dân tộc khát vọng hòa bình và tự chủ. Theo bà Borton, ngoại giao Việt Nam thời kỳ đầu không chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại đơn thuần mà đã tiên phong trong việc kiến tạo hình ảnh quốc gia. “Việt Nam đã định hình mình là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho độc lập dân tộc, chứ không đơn thuần là một điểm nóng của chiến tranh lạnh như một số cơ quan tuyên truyền của các nước phương Tây từng mô tả” - bà Borton nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, ngoài những thành tựu đã được nêu trên, trong suốt 50 năm qua, ngoại giao còn không ngừng củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, quan tâm, chăm lo và huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước, lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam ra thế giới thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Đặc biệt, nhờ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với quốc phòng, an ninh và các lực lượng đối ngoại khác, ngoại giao quốc phòng đã góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt vai trò, đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác trong các cơ chế đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc.

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng “4 không”; sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Hà Lê (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/toa-sang-nhung-gia-tri-cao-dep-cua-hanh-trinh-tim-kiem-hoa-binh-ben-vung-han-gan-vet-thuong-chien-tranh-hoa-hop-dan-toc-tai-thiet-va-phat-trien-dat-nuoc-post489301.html
Zalo