Sửa Hiến pháp và những kỳ vọng lớn
Các chuyên gia, người dân đều kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Đảm bảo tính dân chủ, khoa học
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Hừng Đông), đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền và cũng là giai đoạn khó khăn nhất.
Do đó, để kết thúc hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã thì phải sửa lại một phần Hiến pháp, đây là yêu cầu cấp thiết.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ thông qua việc sửa đổi 8 Điều của Hiến pháp năm 2013.
"Lần sửa đổi này có điểm rất tích cực, tập trung, có trọng tâm. Đó là chúng ta chỉ sửa khoảng 8 trong 120 Điều của Hiến pháp năm 2013 để vừa kịp tiến độ, vừa tránh thay đổi quá lớn, làm xáo trộn hệ thống.
Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào ba nội dung trọng yếu, đúng và trúng vào các nút thắt thể chế. Trong đó nổi bật là các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương", ông Huế nói.
Bên cạnh việc làm rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, ông Huế cho rằng, xu hướng tăng cường vai trò giám sát, phản biện của tổ chức này ngay từ cấp xã sẽ giúp các chính sách được điều chỉnh sát thực tiễn hơn.
Về thời gian lấy ý kiến nhân dân, khoảng thời gian từ ngày 6/5 đến 5/6 là phù hợp với quy định tại các luật liên quan, đảm bảo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Trong khi đó, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội) bày tỏ: "Việc lấy ý kiến rộng rãi một cách dân chủ, khoa học, minh bạch sẽ bảo đảm mọi tầng lớp nhân dân được tham gia thực chất".
Ông Trần Anh Tuấn, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng VNeID để thu thập ý kiến rộng rãi của người dân là một lựa chọn phù hợp giúp việc tổng hợp thuận lợi, nhanh chóng hơn".
Cần đồng bộ hệ thống luật chuyên ngành
Đóng góp ý kiến về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sự cần thiết phải sửa đổi một số điều trong Hiến pháp năm 2013, luật sư Nguyễn Danh Huế nhìn nhận, việc đơn giản hóa đầu mối, bỏ cấp huyện sẽ rút ngắn quy trình hành chính, giảm chi phí và trách nhiệm chồng chéo giữa các cấp.
Tuy nhiên để mô hình này thực sự hiệu quả, cần có lộ trình chuyển đổi rõ ràng, bảo đảm đủ nguồn lực và hướng dẫn chi tiết cho cán bộ ở cấp tỉnh, cấp xã.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013, bắt đầu từ ngày 6/5, sẽ tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo.
Các tài liệu này sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các cơ quan báo chí: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo ông Huế, với cách tiếp cận "hạn chế sửa đổi" nhưng "trọng tâm sâu sắc", lần sửa Hiến pháp này có cơ sở pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, cần đồng bộ ngay hệ thống luật chuyên ngành và cơ chế tổ chức thực thi, bảo đảm các nội dung sửa đổi đi ngay vào cuộc sống.
"Hiến pháp không chỉ là khung khổ pháp lý mà phải đi vào đời sống, giúp khâu tổ chức, vận hành bộ máy chính quyền và Mặt trận Tổ quốc hiệu quả hơn. Khi đó, những cam kết "gần dân, sát dân" sẽ thực sự được người dân cảm nhận qua từng hoạt động giám sát, phản biện tại thôn, xóm, hộ gia đình.
Nếu các cơ chế phối hợp, hướng dẫn thi hành và nguồn lực thực sự đồng bộ, tôi tin lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ là bước đệm vững chắc để nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, từ Trung ương đến cấp xã", ông Huế nhấn mạnh.
Để đảm bảo các quy định mới được thực thi sớm, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp khi cấp xã (mới) dự kiến đi vào hoạt động từ 15/8/2025 và cấp tỉnh từ 15/9/2025, ông Huế góp ý, có thể thành lập Ban chỉ đạo liên ngành, trong đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp kiểm tra định kỳ việc thực thi các quy định mới.
Ngay sau khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, các cơ quan được giao nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Điều 9, 10 (về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Chương IX (về tổ chức chính quyền địa phương), trong đó nêu rõ các tiêu chí sáp nhập, chia tách, mẫu biểu và quy trình.
Tiếp theo phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua việc tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách ở cơ sở, xây dựng tài liệu phù hợp để tiếp cận vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời minh bạch thông tin, áp dụng công nghệ, phát triển cổng thông tin chung để nhân dân theo dõi tiến trình kiện toàn bộ máy, gửi phản ánh, kiến nghị trực tuyến; thiết lập bộ chỉ số để đánh giá chất lượng thực thi, tạo điều kiện cho người dân giám sát.
Những nội dung tổ chức lấy ý kiến
Ngày 7/5, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thông tin, nhân dân có thể đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng vừa ký công văn gửi các cơ quan, bộ, ngành địa phương hướng dẫn tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Nghị quyết).
Theo đó, từ ngày 6/5 - 29/5, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết, tuân thủ các yêu cầu về đối tượng, hình thức, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện.
Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Nghị quyết, tập trung vào các Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013.
Các ý kiến bám sát chủ trương, định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Chậm nhất là ngày 30/5, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của mình.