Xóa nhà tạm, nhà dột nát - mệnh lệnh từ trái tim
BPO - Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, tỉnh Bình Phước đã khẩn trương rà soát, thống kê thực trạng, quyết liệt thực hiện và đã hoàn thành chương trình trước ngày 30-4-2025, sớm hơn 6 tháng so với quy định của Thủ tướng Chính phủ và 2 tháng so với kế hoạch của tỉnh. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn có nơi ở ổn định, vượt qua khó khăn, rút ngắn khoảng cách về mức sống, mức sinh hoạt, nhất là hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Bài 1:
NHỮNG “VIÊN GẠCH” XÂY ĐẮP NIỀM TIN
Bình Phước hiện có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Xuất phát từ thực trạng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, trong khi tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt thấp, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS. Nhờ chủ trương đúng, giai đoạn 2019-2023, Bình Phước đã giảm gần 6.600 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mỗi năm theo kế hoạch. Để đạt được mục tiêu này, Bình Phước đã vận dụng các nguồn kinh phí một cách hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, qua đó góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống.
5 năm giảm gần 6.600 hộ nghèo
Đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, việc có thu nhập để chi cho sinh hoạt hằng ngày đã vất vả, thì các trường hợp là người DTTS, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới lại càng vất vả hơn. Do đó, để có sinh kế, nhà ở là mơ ước khó thực hiện của nhiều hộ dân. Chính vì thế, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS ra đời đã mang lại ý nghĩa to lớn về an sinh xã hội, về niềm tin của nhân dân với Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng trong nhân dân nhằm chung tay vì người nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong ảnh: Người dân chung tay hỗ trợ ngày công lao động nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình
Triển khai thực hiện chương trình, Bình Phước thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, cùng với đó là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ trong 5 năm (2019-2023), tỉnh đã bố trí trên 675 tỷ đồng để hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở; đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề… cho hộ nghèo DTTS. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng 2.178 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 149,6 tỷ đồng; sửa chữa 53 căn, trị giá 1,59 tỷ đồng cho đồng bào DTTS nghèo khó khăn về nhà ở. Các ngôi nhà được trao tặng đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (cứng tường, cứng mái, cứng nền) và thực hiện theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các gia đình thụ hưởng đóng góp thêm”.

Mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Để phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, cơ quan chuyên môn đã căn cứ chỉ tiêu giảm nghèo của từng địa phương, riêng với hộ nghèo DTTS dựa theo danh sách đăng ký thoát nghèo. Các huyện, thị xã, thành phố khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ để lập kế hoạch đề nghị bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu hụt. Trên tinh thần đó, giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh có 3.311 hộ được hỗ trợ nhà ở; 82 hộ được hỗ trợ đất ở; 1.622 hộ được hỗ trợ xây nhà vệ sinh; 2.135 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 6.440 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 1.353 hộ được hỗ trợ kéo điện; 1.092 hộ được hỗ trợ tivi và 3.125 hộ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, nhận thấy giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS hằng năm của tỉnh đạt thấp, mỗi năm chỉ giảm khoảng 1,15%. Không những vậy, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo của tỉnh còn có xu hướng tăng. Do đó, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được ban hành với mục đích tiếp thêm nguồn lực để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.
Nhờ sự quan tâm của Trung ương, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, cũng như sự đồng hành hỗ trợ của người dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã giảm 6.598 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu hằng năm giao là giảm 1.000 hộ nghèo như chương trình đã đề ra. Đây là kết quả to lớn, ấn tượng, ngoạn mục, góp phần làm thay đổi toàn diện cuộc sống người DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN TUYẾT MINH
Một trung tâm - 3 trụ cột - đa tiếp cận
Thay vì hỗ trợ theo hình thức “cho - nhận” thụ động như trước, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được thực hiện theo phương châm “một trung tâm - 3 trụ cột - đa tiếp cận”. Tức là lấy người nghèo làm trung tâm; kết hợp 3 trụ cột, gồm lồng ghép nguồn vốn tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia; cả hệ thống chính trị vào cuộc trực tiếp từ tỉnh đến cơ sở; huy động các tầng lớp xã hội cùng tham gia. Người nghèo, hộ nghèo lựa chọn học nghề, chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đào tạo nghề và được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đơn cử trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vốn vay... theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo. Nhưng đối với Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của Bình Phước mang tính đặc thù riêng. Điều đó được thể hiện ở giai đoạn đầu, chương trình chỉ thực hiện hỗ trợ 14 nhu cầu với 11 chính sách, về sau đã tăng lên 25 nhu cầu tích hợp trong 8 nhóm chính sách, cụ thể: hỗ trợ đất ở; nhà ở (xây nhà, sửa nhà); nhà vệ sinh, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, bồn đựng nước, bơm nước); điện lưới (kéo điện, điện năng lượng mặt trời)… tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển kinh tế.
Tại huyện biên giới Lộc Ninh, nơi có 16 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Được biết, toàn huyện có hơn 114 ngàn người, trong đó có gần 25 ngàn người DTTS, chiếm 21,7% dân số toàn huyện. Địa bàn biên giới rộng, tỷ lệ đồng bào DTTS cao được cho là rào cản gây nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, trong 5 năm huyện đã hỗ trợ cho 1.979 nhu cầu, tương ứng gần 60 tỷ đồng. Bằng những nguồn lực hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, giúp hộ nghèo đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đời sống vật chất ngày càng được đảm bảo, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên luôn được giữ vững. Nhờ đó, giai đoạn 2019-2023, huyện đã giảm được 924 hộ nghèo DTTS.

Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS góp phần giảm áp lực cho công tác xóa nhà tạm của tỉnh. Trong ảnh: Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Bù Đăng được hỗ trợ công cụ sản xuất
Đối với huyện Bù Đăng, nơi có 31 dân tộc, với hơn 57 ngàn người DTTS, chiếm trên 40% dân số của huyện. Đầu năm 2019, toàn huyện vẫn còn 1.488 hộ nghèo, 790 hộ cận nghèo, trong đó 959 hộ nghèo và 449 hộ cận nghèo DTTS. Sau 5 năm triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, bằng các nguồn lực hỗ trợ, huyện đã bố trí trên 120 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 586 hộ; hỗ trợ đất ở cho 35 hộ; nhà vệ sinh 127 hộ; nước sinh hoạt cho 616 hộ; chuyển đổi nghề cho 1.356 nhu cầu; kéo điện cho 316 hộ; vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội cho 57 hộ.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần thay đổi toàn bộ diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Đời sống dân sinh ngày càng được nâng cao, các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Nhờ đó, giai đoạn 2019-2023, toàn huyện đã giảm được 1.430 hộ nghèo. Đây là kết quả vô cùng to lớn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chương trình, được đông đảo người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ cao.
Kết quả giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã trở thành bước đệm để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững. Đây cũng là minh chứng trả lời cho câu hỏi vì sao một tỉnh khó khăn như Bình Phước, nhưng khi triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cả tỉnh chỉ còn 765 căn nhà cần xây mới và sửa chữa. Bởi từ nhiều năm trước, tỉnh đã nỗ lực triển khai xây dựng hàng ngàn căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công từ nguồn lực Nhà nước và đóng góp của xã hội.