Sửa đổi quy chuẩn hệ thống tự động chắn đường ngang qua đường sắt
Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động có nhiều thay đổi về quy định kỹ thuật, quản lý… để phù hợp với thực tế.

Một đường ngang qua đường sắt tại Hà Nội sử dụng hệ thống cảnh báo, cần chắn tự động
Theo cục Đường sắt VN hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi để hoàn thiện dự thảo "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động", nhằm thay thế Quy chuẩn QCVN 104 : 2019/BGTVT (đã ngưng hiệu lực thi hành từ 28/11/2022, do việc áp dụng quy chuẩn cần nguồn kinh phí đầu tư, thay thế thiết bị lớn để phòng vệ đường ngang qua đường sắt).
Nội dung dự thảo quy chuẩn mới có sự rà soát toàn bộ quy chuẩn trước đây để điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định về phạm vi áp dụng, kỹ thuật, quản lý nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế đường sắt Việt Nam.
Theo đó, một số nội dung sửa đổi chính của quy chuẩn: Không áp dụng đối với loại hình đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; sửa đổi các thông số kỹ thuật của hệ thống phòng vệ đường ngang (tủ điều khiển, thiết bị phát hiện tàu, cần chắn tự động, chuông, đèn hiệu…); bỏ tính năng phân quyền điều khiển hệ thống từ xa (do chi phí lớn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn); bỏ quy định đối với cáp tín hiệu và cáp điện (do là vật liệu phổ biến); bỏ một số quy định do trùng với quy định tại văn bản khác; sửa quy định về đánh giá thiết bị phù hợp với quy chuẩn, các thiết bị thuộc diện phải thử nghiệm, đánh giá hợp quy (tủ điều khiển, cần chắn tự động, thiết bị phát hiện tàu…).
Về quy định kỹ thuật, dự thảo quy chuẩn sửa đổi một số quy định cụ thể: Cảm biến từ (của thiết bị phát hiện tàu) có khả năng đáp ứng với tốc độ chạy tàu trong khoảng từ 5 km/h đến dưới 100 km/h và trong phạm vi bán kính 50 m từ vị trí đặt cảm biến không có đường dây điện lực cao thế 220 kV trở lên đi qua. Cảm biến đếm trục có khả năng đáp ứng với tốc độ chạy tàu trong khoảng từ 0 km/h đến 120 km/h (quy định trước đây ghi chung là thiết bị phát hiện tàu có khả năng phát hiện chính xác các trục toa xe có vận tốc 0 – 120 km/h).
Dự thảo quy định: "Khi đoàn tàu chiếm dụng khu đoạn đến gần đường ngang, hai đèn đỏ luân phiên sáng với tần số từ 40 lần/phút đến 60 lần/phút; khi đoàn tàu ra khỏi đường ngang, cần chắn tự động mở, đèn đỏ nháy tắt, chuông điện hoặc loa phát âm thanh tắt hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang trở về trạng thái bình thường". Trong khi quy định trước đây là hai đèn đỏ luân phiên sáng tần số 30 – 50 lần/phút. Bỏ quy định: "Đèn tín hiệu màu đỏ bật sáng phải đảm bảo trước lúc tàu đến đường ngang ít nhất là 60 giây", do đã được quy định trong Thông tư 29/2023/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ GTVT.
Dự thảo giữ nguyên quy định cần chắn tự động phải được đóng hoàn toàn (vị trí nằm ngang) trước khi đoàn tàu đến đường ngang ít nhất 40 giây. Tuy nhiên, yêu cầu tăng số lượng đèn nháy trên cần chắn đường ngang để giúp nâng khả năng quan sát. Cụ thể: Cần chắn có chiều dài ≤ 5 m bố trí ít nhất 3 đèn nháy, cần có chiều dài > 5 m bố trí ít nhất 4 đèn nháy, tần số nháy của đèn 40 lần/phút đến 60 lần/phút. Cao độ thanh chắn tính từ mặt đường bộ từ 1 m đến 1,2 m.
Dự thảo cũng giữ nguyên quy định mỗi đường ngang cảnh báo tự động lắp 2 camera giám sát, nhưng bỏ quy định lưu trữ dữ liệu ít nhất 48 giờ do đã có quy định lưu trữ tại trung tâm giám sát tối thiểu 30 ngày. Về quản lý hệ thống, quy chuẩn giữ nguyên quy định tần suất kiểm tra đường ngang tần suất 120 phút/lần qua hệ thống giám sát và bổ sung yêu cầu kiểm tra hệ thống thiết bị 4 lần/ngày bằng phương thức kiểm tra trực tiếp tại đường ngang.
Theo Cục Đường sắt VN, hiện trên đường sắt quốc gia có dự thảo quy chuẩn mới 745 đường ngang qua đường sắt là cảnh báo tự động. Quy chuẩn trên khi được ban hành sẽ không bắt buộc áp dụng đối với trường hợp sửa chữa, thay thế linh kiện, nâng cấp đường ngang cảnh báo tự động đang khai thác, nên không phát sinh chi phí đối với các đường ngang hiện hữu.
Còn đối với đường ngang xây dựng mới trên đường sắt quốc gia sẽ phát sinh chi phí thử nghiệm, đánh giá hợp quy các bộ phận cấu thành của hệ thống phòng vệ đường ngang tự động (tủ điều khiển, cần chắn tự động, thiết bị phát hiện tàu).