Sửa đổi Luật Dược: Chỉ cho phép bán thuốc online trong một số trường hợp
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với rất nhiều điểm mới, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Quy định các biện pháp quản lý về giá
Luật được thông qua đã bổ sung một số quy định mang tính đột phá hơn so với Luật Dược hiện hành để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Luật quy định cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc là một loại hình cơ sở kinh doanh dược riêng biệt, điều kiện kinh doanh, quyền và trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc, nổi bật là quyền luân chuyển thuốc và quyền luân chuyển người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc.
Đồng thời, quy định các biện pháp quản lý về giá để phù hợp với Luật Giá và biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc là công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn, bảo đảm việc bán buôn thuốc qua các tầng, nấc trung gian không vượt qua giá bán buôn dự kiến đã được công bố. Đây được xem là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc, do thuốc kê đơn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, được sử dụng nhiều tại cơ sở y tế, và người bệnh phải mua theo chỉ định của thầy thuốc.
Bên cạnh đó, quy định Bộ Y tế kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến với cơ sở kinh doanh thuốc để hạn chế tăng giá thuốc qua mỗi tầng, nấc trung gian, và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giữ quy định hiện hành về thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đáng quan tâm, Luật mới được thông qua nêu rõ, khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh dược phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, thương mại điện tử, quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật; đăng tải đầy đủ thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ; thông báo việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua
Cũng theo Luật, cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc, và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời, chỉ được bán lẻ thuốc không kê đơn, mà thuốc đó không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt, và không thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ; bán lẻ thuốc kê đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế trong trường hợp cách ly y tế, khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chỉ được bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, phải tuân thủ quy định khác của Chính phủ về bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Luật quy định, cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc có quyền mua nguyên liệu làm thuốc để chuyển cho các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc pha chế thuốc theo đơn và bán thuốc này, tại chính nhà thuốc đã pha chế; mua thuốc để chuyển cho các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, trừ vắc xin; luân chuyển thuốc giữa kho bảo quản thuốc của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc với các nhà thuốc, và giữa các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc, trừ thuốc pha chế theo đơn.
Tại cuộc họp báo bế mạc Kỳ họp thứ 8, báo chí đã đặt câu hỏi về quy định bán thuốc online, hiện có một số ý kiến cho rằng, chúng ta đã triển khai ứng dụng công nghệ trong khám sức khỏe từ xa, sổ sức khỏe điện tử…, liệu Quốc hội có nghiên cứu việc thời gian tới sẽ cho phép bán thuốc kê đơn qua online để thuận lợi cho người dân? Liệu có tình trạng “không quản được thì cấm”?
Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Quốc hội chỉ thông qua cho phép bán thuốc không kê đơn online và bán thuốc kê đơn chỉ khi có các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xảy ra. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đây là vấn đề mới, trong quá trình thảo luận về vấn đề này đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, cần cấm hẳn không cho bán thuốc qua online; cũng có ý kiến nên cho bán cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn; ý kiến chỉ nên cho bán thuốc không kê đơn và không cho phép thuốc kê đơn bán qua online. Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua cho phép bán thuốc không kê đơn trên online và bán thuốc kê đơn chỉ khi có các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, việc bán thuốc kê đơn trên thương mại điện tử phụ thuộc vào kinh nghiệm quản lý, điều kiện đảm bảo, vì thuốc không giống hàng hóa thông thường, mà là dạng hàng hóa đặc biệt, vì có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hiện nay, chúng ta đã triển khai các hình thức bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử… Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và chưa tạo sự thống nhất trên toàn quốc. Hiện cũng chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế hoàn thiện, cũng như việc kê đơn điện tử, liên thông kết quả cũng còn rất khó khăn. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, khi nào các điều kiện hoàn thiện, bảo đảm được về điều kiện kiểm soát và quản lý tốt việc bán thuốc online, thì Chính phủ sẽ xem xét và trình để sửa về vấn đề này.