Sửa đổi luật để thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường
Trước những bất cập của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi luật để thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường.
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi năm 2020) có hiệu lực thi hành, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, nhưng còn nhiều bất cập nảy sinh, điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Vướng trong thực thi phân loại, thu gom, xử lý rác thải
Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là quản lý chất thải hiệu quả, bao gồm việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn và xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này gặp phải một số bất cập, đặc biệt trong việc triển khai các chương trình phân loại rác tại cộng đồng.

Rác thải các loại được thu gom vận chuyển đi xử lý. Ảnh: Cấn Dũng
Tại nhiều địa phương hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Các cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị loại V - thị trấn chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt. Nhiều nơi xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Hệ thống thoát nước thải còn dùng chung với hệ thống thoát nước mưa, thiếu sự phân tách rõ ràng..
Đơn cử như ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tình trạng người dân chưa thực sự hiểu rõ về cách thức phân loại chất thải tại nguồn vẫn rất phổ biến.
Các khu vực đông dân cư, đặc biệt là khu vực cư trú chưa có đủ hệ thống phân loại rác, khiến cho việc thu gom và xử lý chất thải gặp khó khăn, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, công tác xử lý chất thải nguy hại như chất thải y tế, hóa chất công nghiệp hoặc chất thải từ các khu công nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ.
Một số cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong ngành dược phẩm, hóa chất, vẫn chưa có đủ hệ thống xử lý chất thải an toàn, gây rủi ro về ô nhiễm môi trường.
Luật Luật Bảo vệ Môi trường 2020 yêu cầu các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, phải triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ trong việc áp dụng các quy định, một số địa phương gặp khó khăn trong việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện nay các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đã có những bước đi tích cực trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm áp dụng các công nghệ xanh, xử lý rác thải, và khuyến khích việc phân loại chất thải.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Yazaki- một trong các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) được tái sử dụng cho sản xuất và tưới cây cũng như tự dùng. Ảnh: Thu Hường
Tuy nhiên, ở các địa phương khác như Bình Dương, Long An, và một số khu vực nông thôn, việc áp dụng các quy định này còn chậm và chưa hiệu quả.
Một trong những lý do chính là thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên từ các cấp chính quyền địa phương.
Các cơ sở sản xuất, dù đã có quy định về bảo vệ môi trường, nhưng do thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cần sớm sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2020
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại buổi thảo luận góp ý tại Tổ vào sáng ngày 23/5 về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn TP. Hải Phòng đề nghị, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần nghiên cứu, sửa đổi trong thời gian tới.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn TP.Hải Phòng
Trước hết, đại biểu chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn. Dù các hộ gia đình, cá nhân đã triển khai phân loại, nhưng quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chưa tương thích, khiến hiệu quả còn thấp.
Đặc biệt, Luật hiện nay chưa có quy định yêu cầu các tổ chức phải thực hiện phân loại rác, tạo ra khoảng trống pháp lý và khó triển khai đồng bộ trên thực tế. Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định bắt buộc phân loại tại nguồn đối với tổ chức, không chỉ hộ gia đình.
Về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt (Điều 79), luật quy định tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích đã phân loại, là một hướng tiếp cận tiên tiến nhưng chưa phù hợp với thực tế Việt Nam.
Theo ông Tân mô hình này mới chỉ được áp dụng thành công ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nên cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp và khả thi.
Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật về cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm tại các bãi rác không hợp vệ sinh, cũng như hướng dẫn lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Liên quan đến quy định tại khoản 3 Điều 115 của Luật Bảo vệ môi trường, ông đề nghị Bộ sớm hướng dẫn tiêu chí đánh giá và suất đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là các dự án sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, hiện đang là điểm nghẽn khiến nhiều địa phương lúng túng trong lựa chọn phương án xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, ông đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 32/2019 theo hướng cho phép đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong thời gian từ 3–5 năm thay vì đấu thầu hằng năm.
Theo Đại biểu Lã Thanh Tân, việc này giúp duy trì liên tục hoạt động thu gom, xử lý rác, một dịch vụ đặc thù, diễn ra hằng ngày, không thể bị gián đoạn, đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị nâng cấp phương tiện, cải tiến công nghệ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam.