Sửa đổi luật để gỡ khó trong lĩnh vực đấu thầu
Chiều 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Cần rõ ràng, minh bạch quy định cơ quan, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm mua sắm
Nhiều đại biểu đánh giá, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu đã được chỉnh sửa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị, tổ chức trong việc mua sắm thiết bị, thay vì qui trình đấu thầu phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, theo ý kiến của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, quy định chọn nhà thầu ở khoản 2 điều 3 theo hướng giao quyền tự quyết mua sắm cho các tổ chức chưa thực sự thống nhất với các trường hợp ở điều 23, dẫn tới khó khăn khi triển khai thực tế. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ: “Nếu tổ chức được tự quyết định mua sắm thì có áp dụng quy định chỉ định thầu hay không? Tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ ràng hơn và giới hạn giữa quyền tự chủ mua sắm và bắt buộc đấu thầu, đặc biệt là các tiêu chí cần định lượng rõ ràng hơn để xác định rõ ràng gói thầu nào áp dụng luật này”.
Với các hình thức lựa chọn nhà thầu, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn thế nào là các trường hợp đặc biệt được áp dụng quy định chỉ định thầu, đồng thời cần rà soát lại toàn bộ các hình thức lựa chọn nhà thầu, bỏ các hình thức giao thoa không cần thiết, đồng thời cần đưa ra tiêu chí định tính định lượng cụ thể, rõ ràng và minh bạch để áp dụng các hình thức thầu hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận
Cũng cho ý kiến vào nội dung cơ quan, tổ chức doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm mua sắm, Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh lại đề cập tới cụm từ “đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả” trong dự thảo luật. Theo Đại biểu, “công khai minh bạch” trong trường hợp chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh chưa thực sự rõ ràng. Đại biểu bày tỏ băn khoăn: “Với yếu tố minh bạch thì chúng ta có thể xem xét hồ sơ thầu nhưng nhưng công khai thì ở mức độ nào? Công khai là tự cho doanh nghiệp quyết định việc mua sắm hàng hóa công khai trong mức độ doanh nghiệp hay công khai trên báo chí hay các phương tiện truyền thông. Đại biểu cho rằng: “Khi cho doanh nghiệp tự quyết đinh. Công khai trong mức độ doanh nghiệp hay công khai trên báo chí. Cần phải có một hướng dẫn rõ và hình thức công khai như thế nào để các đơn vị thực hiện dễ dàng hơn”. Liên quan tới quy định về chỉ định thầu, Đại biểu Trần Tuấn Anh cho rằng dự thảo luật hiện đang quy định 9 điều kiện và vào giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay chính là vấn đề về thời gian và qui mô gói thầu khi mà những gói thầu có qui mô hơn 500 triệu thì thường phải mất 3-4 tháng để hoàn thành hồ sơ, thủ tục. Điều này không đáp ứng được tính cấp bách như các vấn đề liên quan tới an ninh quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy Đại biểu đề nghị các quy định về điều kiện chỉ định thầu cần bổ sung thêm yếu tố cấp bách để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh
Cho ý kiến vào nội dung lựa chọn nhà thầu, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tán thành với 9 hình thức lựa chọn nhà thầu trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề xuất, cần bổ sung thêm hình thức chào giá trực tuyến bởi điều 98 của Nghị định 24 của Chính phủ có đề cập tới hình thức chào giá trực tuyến. Nếu dự thảo luật không bổ sung hình thức này thì sẽ không đồng nhất với văn bản pháp luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Tạo thuận lợi trong đấu thầu sản xuất các sản phẩm sáng tạo, sản phẩm công nghệ cao
Để phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi trong việc đấu thầu liên quan tới các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm sáng tạo... có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, dự thảo Luật cần làm rõ hơn các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để đảm bảo với tính thống nhất với các quy định hiện hành. Đại biểu nhấn mạnh: “Hiện nay cả trong luật hiện hành và sửa đổi thì chưa có quy định xác định hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Điều này có thể gây cách hiểu khác nhau khi thực hiện, nên bổ sung quy định xác định hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam”
Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị mở rộng quy định đấu thầu rộng rãi với một số ngành nghề được ưu tiên đầu tư phát triển với cả những gói thầu xây lắp có qui mô lớn nhằm tăng cường tính cạnh tranh, chọn lựa được nhà thầu tốt, loại bỏ các nhà thầu kém cũng như tạo sự cạnh tranh về giá thầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Cũng cho ý kiến vào các quy định liên quan tới lĩnh vực sáng tạo, công nghệ cao, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị cần cân nhắc các phương pháp đánh giá hồ sơ lựa chọn nhà thầu như trong dự thảo luật khi áp dụng với các đối tượng trên. Đại biểu giải thích: “Đối với nhà thầu tư là doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là cơ sở ươm tạo công nghệ cao...quy định nhà đầu tư không cần chứng minh khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu và được sử dụng công nghệ, dự án do mình trực tiếp thực hiện mà công nghệ đã được đưa vào vận hành thành công để chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh khi tham gia đấu thầu. Tôi đề nghị nghiên cứu cân nhắc quy định này vì để triển khai thực hiện dự án thì phải có vốn, nếu không quy định sẽ khó khả thi và có thể sẽ dẫn tới tình trạng nhà thầu ảo. Trường hợp giữ nguyên quy định như trên thì phải bổ sung quy định, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện dự án sau khi nhà đầu tư được lựa chọn bố trí từ vốn nhà nước, hoặc vốn từ các tổ chức tín dụng.”

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Bên cạnh những nội dung trên, nhiều Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm các quy định ưu tiên về đấu thầu cho các lĩnh vực như văn hóa, thể thao; các đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp của thanh niên, phụ nữ, người dân ở vùng sâu vùng xa... Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh rằng dự thảo Luật cũng phải có những chế tài quyết liệt với các hành vi bỏ thầu; móc nối giữa chủ đầu tư và chủ dự án để hạn chế tối đa vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu như thời gian qua./.