Bước chuyển tất yếu
Từ năm 2026, Việt Nam sẽ chính thức xóa bỏ cơ chế thuế khoán, hình thức quản lý thuế đã tồn tại hàng chục năm đối với hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thay vào đó, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bất kể quy mô, sẽ được quản lý bằng hóa đơn điện tử và ghi nhận doanh thu thực tế.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp không còn là một lựa chọn mang tính tự nguyện, mà đang trở thành hướng đi tất yếu nếu muốn tồn tại, phát triển và hội nhập một cách minh bạch trong nền kinh tế chính thức.
Việc bãi bỏ thuế khoán không đơn thuần là cải cách về phương pháp thu thuế, mà là sự thay đổi mang tính nền tảng trong cách thức vận hành và quản lý khu vực kinh tế phi chính thức.
Trước đây, nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực ăn uống, bán lẻ, chỉ cần nộp một khoản thuế cố định hàng tháng. Điều này vừa đơn giản, vừa dễ dự đoán, nhưng đồng thời cũng tạo ra một “vùng xám” lớn trong quản lý doanh thu. Việc “bán một nghìn, ghi một trăm” từng là thực tế phổ biến và khó kiểm soát.
Từ năm 2026, với hệ thống hóa đơn điện tử bắt buộc, phần mềm bán hàng kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, dữ liệu ngân hàng, ví điện tử, sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển sẽ được đồng bộ để giám sát và đối chiếu doanh thu thực tế.
Điều này đặt ra yêu cầu buộc hộ kinh doanh phải ghi chép đầy đủ, minh bạch, và khai báo chính xác từng giao dịch, vốn là điều mà mô hình doanh nghiệp đã quen thực hiện, còn hộ kinh doanh thì chưa.
Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2025, hai chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển đổi này. Ngày 4.5, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW, xác định rõ vai trò then chốt của kinh tế tư nhân và yêu cầu “khuyến khích hộ kinh doanh phát triển theo hướng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo”.
Tiếp đó, ngày 17.5, Quốc hội thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15, quy định nhiều cơ chế ưu đãi cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung trực tiếp hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ cá thể sang doanh nghiệp.
Theo đó, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ được miễn lệ phí môn bài trong ba năm đầu, giảm tần suất thanh tra, kiểm tra xuống không quá một lần mỗi năm, đồng thời được miễn kiểm tra thực tế nếu tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các chính sách cũng hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu tiên thuê tài sản công, và được hướng dẫn thủ tục kế toán, kê khai thuế trong quá trình chuyển đổi.
Về mặt dài hạn, việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp còn giúp hộ kinh doanh tiếp cận được nhiều lợi thế hơn. Đầu tiên là khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, gọi vốn đầu tư, hoặc tham gia chuỗi cung ứng chính thức, điều mà hộ cá thể thường khó thực hiện do không có tư cách pháp nhân.
Doanh nghiệp cũng được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào nếu hoạt động có quy mô.
Ngoài ra, khi trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, bao gồm hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn pháp lý, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và tham gia các cụm ngành.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng không thiếu thách thức. Với những hộ kinh doanh nhỏ, việc phải thuê kế toán, kê khai thuế điện tử, nộp báo cáo tài chính định kỳ có thể khiến họ lúng túng, thậm chí e ngại.
Không ít người còn lo sợ bị “soi xét”, “thanh tra” nhiều hơn nếu trở thành doanh nghiệp. Thêm vào đó là chi phí ban đầu cho chữ ký số, phần mềm hóa đơn, tài khoản ngân hàng… khiến nhiều hộ còn chần chừ.
Để gỡ bỏ những rào cản này, các chính sách hỗ trợ không thể dừng lại ở văn bản, mà cần được thực hiện bằng hành động cụ thể: các chương trình tập huấn, tư vấn miễn phí tại địa phương, hướng dẫn tận nơi về thủ tục thành lập doanh nghiệp, cung cấp phần mềm hóa đơn đơn giản và đặc biệt là thái độ đồng hành, hỗ trợ thay vì kiểm tra – xử phạt ngay từ đầu.
Chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện thuế, mà là sự nâng cấp về tư duy, quy trình và cả khát vọng phát triển. Trong thời kỳ hậu thuế khoán, không còn chỗ cho “làm ăn chui”, “lách luật” hay “giấu doanh thu”.
Càng minh bạch, càng chuyên nghiệp, thì càng dễ mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và hội nhập với nền kinh tế số đang định hình.
Có thể nói, sự chuyển đổi này là cơ hội để các hộ kinh doanh tái cấu trúc, lớn mạnh và đi xa hơn, từ con phố nhỏ ra thị trường lớn, từ mô hình truyền thống lên quy chuẩn hiện đại. Và nếu được dẫn dắt đúng cách, đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới.