SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG ĐOÀN: ĐẢM BẢO CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG BỐ TRÍ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7; xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, nhiều ý kiến thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, chuyên gia cho rằng, cần tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn để tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động;…

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012 đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo Tổng Liên đoàn, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Sửa Luật Công đoàn cần kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện; sửa đổi nhưng phải phù hợp với thể chế chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Liên quan đến nội dung bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26), dự thảo Luật quy định tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách, theo hướng: “1. Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.”.

Quan tâm tới nội dung này, nhiều ý kiến thành viên HĐKH của UBTVQH cũng như chuyên gia cho rằng, cần thiết tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách nhằm khắc phục được tình trạng bất cập trong việc bố trí biên chế cán bộ công đoàn hiện nay; đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn để tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động;… Mặc dù vậy, việc quy định tại dự thảo phải phù hợp, tương thích với các luật khác có liên quan.

Ths. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh – Xã hội

Ths. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh – Xã hội

Theo Ths. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh – Xã hội, việc quy định như tại dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc để khi thực hiện đảm bảo tính khả thi của Luật, bởi nguồn lực cán bộ là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, Đảng và Nhà nước có rất nhiều Nghị quyết và chính sách lớn về công tác cán bộ, nhất là bộ máy, biên chế cán bộ công chức, viên chức, xuyên suốt là các Nghị quyết, chiến lược về cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…. Vì vậy, biên chế bộ máy các cơ quan, tổ chức của cả hệ thống chính trị được quản lý và phân bổ chặt chẽ thống nhất. Theo pháp luật về hành chính không có việc thỏa thuận, thương lượng, thống nhất mà phải quyết định của cấp có thẩm quyền. Tất cả các Ban, Bộ ngành đều áp dụng, có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất.

Do đó, để hoàn thiện điều khoản này, Ths. Hà Đình Bốn đề nghị cân nhắc cụm từ “… sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” tại khoản 3, Điều “3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.”. Nếu phải thống nhất trước khi quyết định, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết theo cơ quan đề nghị; nếu không thống nhất thì quyết định theo hướng nào. Trong điều luật này quy định không rõ thẩm quyền.

 Ths. Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam

Ths. Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam

Cùng quan điểm, Ths. Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm thống nhất với Luật Công chức, Luật Viên chức… Đồng thời, rà soát lại việc nêu về tổ chức biên chế vào luật để có quy định phù hợp, tương thích với các luật khác có liên quan.

Tại khoản 3, Điều 26, đề nghị bỏ cụm từ “sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, nếu quy định thống nhất thì cơ quan có thẩm quyền phải có ý kiến đồng ý của Tổng Liên đoàn, điều này chưa thật phù hợp với nguyên tắc hành chính và luật chuyên ngành, cũng như việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Tại khoản 2, Điều 26, dự thảo Luật nêu ra 2 cơ chế quyết định “cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn” là chưa rõ ràng, trường hợp nào trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và trường hợp nào thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết dịnh theo thẩm quyền. Vì vậy, kiến nghị cần quy định cụ thể hơn những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức dánh cán bộ công đoàn phải trình Cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định; những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền, để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện khi Luật công đoàn có hiệu lực.

PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên HĐKH của UBTVQH

PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên HĐKH của UBTVQH

Nêu quan điểm về nội dung này, PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên HĐKH của UBTVQH tán thành việc tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách để khắc phục tình trạng bất cập trong bố trí biên chế công đoàn hiện nay. “Việc quyết định biên chế công đoàn là công chức do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trên cơ sở, số lượng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ cán bộ công đoàn chuyên trách phù hợp với điều kiện thực tiễn…”, PGS. TS Lê Minh Thông nhấn mạnh.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban xã hội của Quốc hội, thành viên HĐKH của UBTVQH

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban xã hội của Quốc hội, thành viên HĐKH của UBTVQH

Góp ý sửa đổi, hoàn thiện quy định, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban xã hội của Quốc hội, thành viên HĐKH của UBTVQH cho rằng, đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn để tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, cần rà soát, chỉnh sửa lại khoản 3, Điều 26 theo hướng, nên viết đảo lại cho phù hợp hơn, cụ thể: “3. Trên cơ sở xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức.”.

Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến quyền phản biện xã hội, quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn, tỷ lệ phân phối tài chính công đoàn;…./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88289
Zalo