Cụ thể hóa việc xây nhà ở xã hội cho công nhân, tránh sau này 'phải đi xin'

Đại biểu Quốc hội đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong xây nhà ở xã hội vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tránh sau này 'phải đi xin' các bộ, ngành, làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ.

Tránh “phải đi xin”

Thảo luận tại Quốc hội vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) mới đây, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Trước đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2023 đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, giữ nguyên quy định phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Nguồn tài chính này sẽ được sử dụng để chăm lo cho đoàn viên, công nhân, người lao động và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM).

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM).

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM) nhấn mạnh, đây là một nội dung mới được Quốc hội và Chính phủ giao cho công đoàn. Tuy nhiên, nếu chỉ ghi vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) một dòng chung chung theo hướng, Công đoàn có trách nhiệm: “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật” là chưa đầy đủ.

Bà Yến đề nghị cần bổ sung các quy định để cụ thể hóa, chi tiết rõ ràng hơn về việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, tránh khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này gặp khó khăn phức tạp. “Nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật thì lúc thực hiện lại phải đi xin các bộ, ngành và xin Chính phủ, Quốc hội, sẽ làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ và thậm chí sẽ khó có thể thực hiện được”, bà Yến cảnh báo.

Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) lưu ý, trong dự thảo luật chưa có quy định về quyền của đoàn viên trong việc được hưởng thụ các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến công đoàn đầu tư.

Do vậy, ông đề nghị bổ sung quyền này vào khoản 10, Điều 21 dự thảo luật theo hướng: Đoàn viên công đoàn được hưởng chính sách chăm lo phúc lợi, thuê nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tạo điều kiện cho công nhân mua nhà ở xã hội

Cũng đề cập đến vấn đề nhà ở cho công nhân, đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho rằng, việc dự thảo luật chỉ quy định về sử dụng tài chính công đoàn cho nhiệm vụ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê là chưa đầy đủ.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Theo ông, quy định trên đã hạn chế quyền được mua nhà ở xã hội của đoàn viên, người lao động khi công đoàn đầu tư xây dựng. Như vậy, đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn khó có cơ hội được mua nhà gần nơi làm việc để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động.

“Đề nghị ngoài việc được thuê, thì cần quy định tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được phép mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư xây dựng từ nguồn tài chính của công đoàn”, bà Chung nêu kiến nghị.

Nhắc lại khoản 4, Điều 80 Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định "Tổng Liên đoàn Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân và người lao động thuê theo chính sách nhà ở xã hội”, trong khi điểm i, khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lại chỉ ghi "Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê", đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng chưa tương thích. Từ đó, ông đề nghị đề nghị chỉnh lại dự thảo Luật Công đoàn cho thống nhất với Luật Nhà ở là "xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê".

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-the-hoa-viec-xay-nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan-tranh-sau-nay-phai-di-xin-post1688151.tpo
Zalo