Sửa đổi Hiến pháp: Mở ra cơ hội mới đưa đất nước phát triển
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đang được thực hiện trên nhiều 'kênh', nhiều diễn đàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ dàng bày tỏ quan điểm và góp ý.
Tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 2013, nhiều cán bộ, nhân dân Thủ đô bày tỏ mong muốn việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân Cao Đắc Tiến:
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động

Sửa đổi Hiến pháp 2013 là một nội dung rất quan trọng của đất nước trong thực hiện cuộc cách mạng cải cách hệ thống bộ máy hành chính nhà nước hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Trong đó, tôi quan tâm nhiều đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tôi cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để thích ứng và phù hợp với tình hình phát triển đất nước.
Thời gian tới, việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được triển khai đến toàn thể đoàn viên, hội viên, phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn cũng như của đoàn viên, người lao động. Mỗi người dân đều cần có trách nhiệm xây dựng Hiến pháp, qua đó giúp Quốc hội xem xét, quyết định thông qua việc sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong tình hình mới.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hương Ngải (Thạch Thất) Nguyễn Thị Loan:
Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

Trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Với quan điểm của người làm chuyên môn, tôi đã góp ý về việc Hiến pháp mới cần điều chỉnh nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, bảo đảm tính độc lập, tự chủ hơn để Mặt trận thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất, không hình thức, kịp thời nói lên tiếng nói của nhân dân. Cần tạo điều kiện hơn nữa để các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, phản ánh đúng và kịp thời ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, Hiến pháp sửa đổi lần này cũng cần tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; cần nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm quyền tham gia trưng cầu dân ý, quyền giám sát và phản biện chính sách. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị mà còn khẳng định vai trò trung tâm của nhân dân trong mọi quyết sách quan trọng của đất nước.
Ngoài ra, tôi còn tham gia góp ý về các chính sách bảo vệ người lao động, nhất là về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quyền được làm việc trong môi trường an toàn…
Mong rằng qua những ý kiến đóng góp của người dân, Quốc hội sẽ chọn lọc, quyết sách những nội dung tinh túy nhất để vận hành đất nước ổn định và phát triển trong kỷ nguyên mới.
Ông Phạm Khắc Tuấn, phường Hàng Bột (quận Đống Đa):
Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Việc người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thể hiện tinh thần dân chủ Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia, thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Việc sửa đổi Hiến pháp là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Qua nắm bắt tình hình khu dân cư nơi tôi đang sinh sống, người dân bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ cao đối với chủ trương sửa đổi Hiến pháp. Bởi vì họ nhận thức rõ rằng, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi Hiến pháp là bước đi cần thiết và kịp thời.