Sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22/5/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thay đổi thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Trong đó, Nghị định số 111/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo quy định mới, căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo các nhóm dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Các bộ, cơ quan Trung ương ban hành danh mục dịch vụ chi tiết làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ (nếu cần thiết).
Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công ban hành theo quy định, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương trong phạm vi dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, gửi Bộ Tài chính và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công của ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc danh mục chi tiết của các bộ quản lý ngành ban hành quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Sửa đổi quy định về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước
Nghị định số 111/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo quy định mới, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trong đó, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá.
Giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước được quyết định theo cơ chế thị trường
Theo quy định tại Nghị định số 111/2025/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc: Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; Được quyết định giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp cơ quan Nhà nước quy định giá tối đa, đơn vị được quyết định mức giá cụ thể không cao hơn mức giá tối đa; trường hợp cơ quan Nhà nước quy định mức giá tối thiểu, thì đơn vị được quyết định mức giá cụ thể không thấp hơn mức giá tối thiểu; trường hợp cơ quan Nhà nước quy định khung giá thì đơn vị được quyết định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá do Nhà nước quy định. Việc quyết định mức giá cụ thể phải phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật về giá.