Sửa đổi, bổ sung quy định chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Điều chỉnh cho phù hợp hơn

Theo Ban soạn thảo, trên cơ sở Luật Chứng khoán được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 26/11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2020/TTBTC.

Sau 4 năm áp dụng, các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính tại Thông tư số 91/2020/TT-BTC đã có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường. Quy định về tỷ lệ an toàn vốn đã giúp các công ty chứng khoán (CTCK) nhận diện được các rủi ro, thông qua đó có chiến lược, kế hoạch để hoàn thiện, phát triển hoạt động của mình.

Đồng thời, tỷ lệ vốn khả dụng là chỉ số giúp công ty quản lý quỹ (CTQLQ) kiểm soát hoạt động đầu tư tài chính từ nguồn vốn tự có, đảm bảo đáp ứng điều kiện được triển khai các hoạt động nghiệp vụ được cấp phép. Tỷ lệ an toàn vốn như một chỉ báo giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm thông tin trong việc lựa chọn CTCK đối tác cung cấp dịch vụ (như dịch vụ tư vấn, mở tài khoản giao dịch), lựa chọn CTQLQ làm đối tác để quyết định ủy thác quản lý tài sản đầu tư.

Sửa đổi, bổ sung quy định chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán. Ảnh: T.L

Sửa đổi, bổ sung quy định chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán. Ảnh: T.L

Kể từ khi được ban hành đến nay, việc thực hiện quản lý theo Thông tư số 91/2020/TT-BTC đã góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động và tình hình tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK). Trên cơ sở đó, UBCKNN thực hiện tái cấu trúc các TCKDCK bằng biện pháp thích hợp (như hợp nhất, sáp nhập). Số lượng các CTCK đang còn hoạt động là 82 công ty trên tổng số 105 CTCK đã được cấp phép.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là tốc độ tăng vốn hóa thị trường; do đó, cơ chế đánh giá CTCK dựa trên chỉ tiêu an toàn tài chính tại Thông tư số 91/2020/TT-BTC cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình phát triển của thị trường cũng như mục tiêu tăng cường sự lành mạnh trong hoạt động, tình hình tài chính của các TCKDCK.

Việc sửa đổi, bổ sung một số khoản mục để phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan và thực tế phát sinh; đồng thời phản ánh thực tế hoạt động của CTCK, CTQLQ. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty chứng khoán, góp phần nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, nhận diện, cảnh báo sớm rủi ro hoạt động của các CTCK, CTQLQ để kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý góp phần ổn định thị trường chứng khoán và bảo vệ nhà đầu tư.

Tăng hệ số rủi ro đối với các chứng khoán bị hạn chế giao dịch

Đối với nội dung sửa đổi cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 91/2020/TT-BTC về lợi nhuận chưa phân phối. Dự thảo Thông tư quy định rõ hơn lợi nhuận chưa phân phối để tính vốn khả dụng chỉ gồm phần lợi nhuận chưa phân phối đã thực hiện.

Về giá trị rủi ro thanh toán, bổ sung khoản tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán của CTQLQ mở tại CTCK. CTQLQ sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư tài chính, mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại CTCK. Đối với danh mục đầu tư là chứng khoán, công ty thực hiện tính giá trị rủi ro thị trường và rủi ro tăng thêm (nếu có) theo quy định tại Điều 9. Đối với tiền, tại thời điểm tính toán đây là khoản đầu tư và được lưu giữ tại tài khoản ngân hàng đứng tên CTCK, do đó cần phải tính giá trị rủi ro thanh toán theo đối tác.

Về hệ số rủi ro thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp, bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp. Việc lựa chọn quy định về tổ chức xếp hạng đã được tham khảo theo thông lệ quốc tế và từng bước tiếp cận việc tính toán rủi ro đối với các trái phiếu phát hành có xếp hạng tín nhiệm khác nhau.

Thực tế hiện nay có nhiều tổ chức xếp hạng với các tiêu chí, cách thức, mức xếp hạng khác nhau. Trên cơ sở quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, UBCKNN dự thảo thông tư theo hướng sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm của 3 tổ chức xếp hạng quốc tế gồm Standard & Poor’s, Fitch Rating và Moody và tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập khác được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Khả năng chuyển đổi thành tiền của các chứng khoán bị hạn chế giao dịch thấp do đó cần tăng hệ số rủi ro tương ứng. Ảnh: T.L

Khả năng chuyển đổi thành tiền của các chứng khoán bị hạn chế giao dịch thấp do đó cần tăng hệ số rủi ro tương ứng. Ảnh: T.L

Theo dự thảo, hệ số rủi ro đối với các khoản đầu tư vào quỹ thành viên cũng được điều chỉnh đáng kể – từ 30% lên 80%. Theo quy định hiện hành, quỹ thành viên thành lập trên cơ sở hợp đồng góp vốn của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổ chức, cá nhân) và do CTQLQ quản lý.

Bản chất khoản đầu tư vào quỹ thành viên là khoản đầu tư góp vốn mang tính chất trung và dài hạn (theo thời gian hoạt động của quỹ). Ngoài ra, theo quy định hiện hành, quỹ thành viên không phải là quỹ đại chúng, quỹ được đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết và không có hạn chế về đầu tư. Thực tế hiện nay các quỹ thành viên đang đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu của công ty cổ phần chưa niêm yết, phần vốn góp tại công ty.

Tương tự, với các chứng khoán bị hạn chế giao dịch – chẳng hạn như chỉ được giao dịch vào một phiên cụ thể trong tuần hoặc giới hạn về phương thức khớp lệnh – hệ số rủi ro cũng được nâng từ mức 30 - 80% lên 50 - 100%. Khả năng chuyển đổi thành tiền của các chứng khoán này thấp, do vậy, UBCKNN đề xuất tăng hệ số rủi ro tương ứng.

Dự thảo cũng bỏ quy định về “Cổ phiếu, trái phiếu của công ty chưa đại chúng phát hành không có báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất đến thời điểm lập báo cáo hoặc có báo cáo tài chính kiểm toán nhưng có ý kiến kiểm toán là trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến hoặc ý kiến không chấp thuận toàn phần”; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với loại tài sản là “Cổ phần, phần vốn góp và các loại chứng khoán khác từ 80% lên 100% do đây là các loại tài sản ngoài các tài sản đã được liệt kê, tính thanh khoản thấp.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-bo-sung-quy-dinh-chi-tieu-an-toan-tai-chinh-doi-voi-to-chuc-kinh-doanh-chung-khoan-176601.html
Zalo